» Những môn Võ thuật hiếm lạ nhất trên Thế giới

Những môn Võ thuật hiếm lạ nhất trên Thế giới

Võ phái khác Tháng Năm 27, 2021

Xem những bộ phim của Hollywood, các khán giả đã từng theo dõi những trận tỉ thí ngoạn mục của những diễn viên – võ sư phương Tây như Chuck Norris, Jean-Claude Van Damme, hay Steven Seagal. Tuy nhiên, những gì họ thể hiện là những môn võ thuật đã khá thông dụng. 
Trên thế giới còn có không ít những môn võ độc đáo và lợi hại mà ít người biết tới như những môn võ thuật hiếm lạ nhất sau đây…

1. Môn võ Bokator

Bokator là một môn võ thuật của Campuchia có cách đây khoảng 1.700 năm. “Bokator” có nghĩa là “đánh sư tử”, nói về một câu chuyện huyền thoại cổ xưa khi một võ sinh Bokator phải đối diện với một con sư tử ăn thịt người. Để tự vệ, người chiến binh đã giết con thú khát máu bằng một đòn đầu gối đơn giản và ngoạn mục.

Võ thuật hiếm lạ nhất
Như nhiều môn võ thuật châu Á khác, Bokator dựa trên những chuyển động của nhiều loài động vật khác nhau, như đại bàng, sếu, ngựa, rắn và sư tử. Điều khiến Bokator khác hẳn với những môn võ khác là tính vũ bão phối hợp với thực tiễn chiến trường. Bokator có danh mục với hơn 10.000 đòn thế, chẳng hạn như đòn khuỷu tay và đầu gối, khóa, ném và khuất phục đối thủ.

2. Môn võ Okichitaw

Okichitaw là môn võ thuật tương đối mới được phát triển vào năm 1997 bởi một võ sư người Canada là George J. Lépine. Okichitaw là một hệ thống võ bản địa sử dụng các kỹ thuật chiến đấu cơ bản cho phép người học sử dụng những kỹ thuật tấn công trực diện và phủ đầu, sau đó hạ gục đối thủ bằng các đòn kéo, hất hoặc ném đối phương xuống để kết thúc trận đấu càng nhanh càng tốt. Khái niệm chiến đấu của Okichitaw được kết hợp gồm tốc độ, trọng lượng cơ thể và sự ứng dụng tích cực nhằm giúp cho võ sinh đạt kết quả hiệu quả.

Võ thuật hiếm lạ nhất

3. Môn võ Taekkyeon

Taekkyeon (take-ee-on) là một môn võ truyền thống của Hàn Quốc có vẻ áp đảo như kung fu, nhưng lại không phải. Taekkyeon chủ yếu sử dụng kỹ thuật năng động của bàn chân, tên pum balgi, còn gọi là “bước chân tam giác”. Môn võ Taekkyeon đã được nhắc đến lần đầu tiên vào triều đại Joseon.

Võ thuật hiếm lạ nhất

Có nhiều điểm khiến Taekkyeon gợi nhớ võ thuật của Trung Quốc, vừa uyển chuyển như Thái cực quyền, vừa vũ bão như kung fu. Ngoài ra, nó còn tạo cảm giác như một hình thức khiêu vũ. Taekkyeon phối hợp cùng lúc cả tay lẫn chân nhằm làm cho đối thủ mất thăng bằng và bị đánh ngã. Nó còn có các tên gọi khác như Taekgyeon, Taekkyon hoặc Taekyun.

4. Môn võ Kinamotay

Kinamotay (còn được gọi là “Kinamutay” theo ngôn ngữ Cebuano) là một nhánh võ thuật Philippines, nổi bật với các đòn cắn, véo, móc mắt và những kỹ thuật chiến đấu “bẩn” khác. Từ nguyên của môn võ, theo ngôn ngữ của cư dân đảo Cebu ở Philippines là kamot. Có nghĩa là phong cách chiến đấu của phụ nữ (bao gồm véo, cào và móc), những kỹ thuật này được sử dụng để đối phó với những kẻ địch ở mọi kích cỡ. Kinamotay cũng bao gồm sử dụng rộng rãi thủ thuật tóm bắt và vận dụng kỹ thuật điểm huyệt, điều này cho phép một người có thể gây đau đớn và kiểm soát đối thủ.

Võ thuật hiếm lạ nhất

5. Môn võ Lerdrit

Muay Lert Rit hoặc Lerdrit là tên gọi chung của môn võ mà các chiến binh người Xiêm đã sử dụng trên các chiến trường Đông Nam Á. Hình thức Muay này đã được sử dụng bởi những vệ sĩ thuộc quân đội cung điện hoàng gia Thái Lan, Quân đoàn Quốc phòng của thủ đô, các đơn vị quốc phòng và các lực lượng bộ binh đặc biệt sử dụng voi chiến. Về cơ bản, môn võ Lerdrit của Thái Lan là sự kết hợp khéo léo của chín loại “vũ khí” tự nhiên gồm: bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và đầu, được vận dụng để phòng vệ và tấn công. Nó cũng dựa trên bốn yếu quyết từng được sử dụng thời cổ như Tum (ném xuống đất), Tap (nghiền nát), Chap (chộp bắt), Hak (phá vỡ các khớp).

Võ thuật hiếm lạ nhất

6. Môn võ Dambe

Dambe là một hình thức quyền Anh kết hợp của người Hausa ở Tây Phi. Theo lịch sử, Dambe là một thành phần của môn đấu vật tên là Kokawa, nhưng ngày nay chủ yếu nó là một môn võ thuật. Môn võ truyền thống này thuộc về đẳng cấp những người bán thịt Hausa; trong thế kỷ qua, Dambe xuất phát từ các nhóm hàng thịt đến các làng nông trại vào thời điểm thu hoạch, do sự thách thức chiến đấu của những người bên ngoài đối với lễ hội mùa gặt của người dân địa phương.

Võ thuật hiếm lạ nhất

Ngày nay các công ty võ sĩ tổ chức các trận đấu ngoài trời trên khắp các vùng đất truyền thống của người Hausa như ở bắc Nigeria, nam Niger và tây nam Chad. Tên “Dambe” xuất phát từ chữ “boxe” trong ngôn ngữ Hausa. Người Hausa gọi những võ sĩ Dambe là “da-ma-nga”.

7. Môn võ Savate

Savate, còn có tên là quyền Anh của Pháp, đấm bốc savate, hay quyền cước Pháp, là bộ môn võ thuật Pháp sử dụng tay và chân như vũ khí kết hợp với quyền Anh bằng những kỹ thuật đá ngoạn mục. Không giống như môn võ Muay Thái (cho phép dùng đầu gối và cẳng chân), môn Savate chỉ cho phép đá chân. Savate trong tiếng Pháp có nghĩa là “giày hoặc giày ống cũ”. Các võ sĩ Savate mang những đôi giày ống được thiết kế đặc biệt. Savate bắt đầu hình thành vào thế kỷ XIX, phần lớn được sử dụng ở bởi những giai cấp thấp trong xã hội Paris. Khi võ Savate mai một, những kỹ thuật của nó được kết hợp với môn quyền Anh chuyên nghiệp đấm bằng bàn tay trần của người Anh và hình thành môn quyền Anh của người Pháp.

Võ thuật hiếm lạ nhất

Người tiên phong của môn quyền Anh của Pháp, tức môn Savate đời mới, là Charles Lecour: ông đã mở một võ đường ở Paris vào thế kỷ XIX. Môn võ thuật này thịnh hành được một thời gian, rồi sau đó suy tàn trong thế kỷ XX. Sở dĩ môn savate có điểm tương tự như môn Muay Thai, một phong cách quyền cước thịnh hành ở Thái Lan và Campuchia vì trước đây nước Pháp có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Đông Nam Á, nên có nhiều trao đổi văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực.

8. Môn đánh gậy Nguni

Môn đánh gậy Nguni (còn có tên là donga, hay dlala ‘nduku, nghĩa là “đánh gậy”) là môn võ thuật truyền thống của những thiếu niên người Nguni chăn gia súc ở Nam Phi. Mỗi chiến binh được trang bị một áo giáp nhỏ, hai cây gậy dài, một để phòng thủ và một để tấn công. Cách đánh gậy của người Zulu được xem là một biến thể của môn đánh gậy Nguni.

Người chiến thắng trong cuộc đấu được gọi là “Inkunzi” (Bò rừng). Ngày nay, những cuộc song đấu này thường diễn ra tại những đám cưới, các chiến binh bên họ nhà trai và nhà gái gặp nhau để “thi đấu giao hữu”; những nhóm chiến binh khác cũng được mời tham dự. Có một “induna” (trọng tài) đứng ra kiểm soát và giữ trật tự cho các trận đấu này.

Võ thuật hiếm lạ nhất

Nhà làm phim SiyaBonga Makhathini đạo diễn phim Chúng tôi vẫn là những chiến binh (We Still are Warriors), đã nắm bắt được nét tinh túy của những đấu sĩ đánh gậy Zulu hiện đại, họ là hậu duệ của bộ môn đánh gậy Nguni xa xưa.

Chính nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela đã từng tập môn đánh gậy Nguni thời còn nhỏ; chi tiết này được nhắc đến trong kênh Discovery và chương trình truyền hình thực tế Last Man Standing của Đài BBC cũng như trong mùa 1 của bộ phim truyền hình nhiều tập Deadliest Warrior.

9. Môn võ Bartitsu

Bartitsu là một môn võ thuật và tự vệ chiết trung ban đầu đã được phát triển ở Anh vào những năm 1898-1902. Năm 1903, nó đã trở nên bất tử bởi Sir Arthur Conan Doyle, tác giả loạt truyện trinh thám lừng danh Sherlock Holmes. Mặc dù đã “ngủ đông” suốt thế kỷ XX, kể từ năm 2002 đến nay, võ Bartisu đang hồi sinh.

Chữ Bartisu là sự hòa trộn giữa tên người sáng lập và môn võ nhu thuật jujitsu của Brazil. Ông Edward William Barton-Wright, một kỹ sư đến từ Anh, đã sống ở Nhật Bản nhiều năm và học võ thuật.

Võ thuật hiếm lạ nhất

Trước đó, ông đã từng học đấu vật, quyền Anh, Savate và Stiletto. Trong những năm 1890, ông đã tập hợp tất cả những gì đã học được, rút ra những tinh túy, trải nghiệm qua các mức độ “gay go” bằng những trận đấu so tài, kể cả với các đấu sĩ đường phố, và cho đến khi ông cảm thấy hài lòng với hiệu quả của nó, ông bắt đầu thu nhận những môn sinh. Tuy vậy môn võ thuật của ông đã bị mai một, mãi cho đến khi nó được Sir Arthur Conan Doyle nhắc đến trong tiểu thuyết của ông mang tên Cuộc phiêu lưu của căn nhà trống (Adventure of the Empty House), với nhà thám tử huyền thoại Sherlock Holmes tuyên bố rằng chính môn võ Baritsu đã cứu mạng anh trong nhiều tình huống.

Theo KTNN 1000

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com