» Hồ Cưu – Võ sĩ thời danh đất Quảng

Hồ Cưu – Võ sĩ thời danh đất Quảng

Bài Sưu tầm Tháng sáu 6, 2021

Vào khoảng năm 1925 của thế kỷ trước quân đội Pháp bắt đầu “bật đèn xanh” cho đồng bào ta được phép tập võ cổ truyền dân tộc và thượng đài thi đấu sau một thời gian dài bị nghiêm cấm. Thực tế trong nhiều năm bị cấm, đồng bào ta vẫn lén lút tập luyện và truyền dạy võ nghệ cho nhau trong rừng, trong vườn hoang, ngoài nghĩa địa, trên gò kín, trong sân chùa, … lúc đêm khuya thanh vắng. Chính vì vậy khi các võ đài tự do và võ quyền Anh được thiết lập, trên cả ba miền đất nước đều rộ lên phong trào nhân dân háo hức đi xem thi đấu võ đài và hàng trăm võ sĩ có thực tài thượng đài thi thố tài năng. Trên hai thập kỷ 1930 – 1955 những võ sĩ miền Nam thượng đài nổi tiếng có Huỳnh Tiền, Kid Dempsey, Trần Xil, Xuân Bình, Từ Thiện, Lý Huỳnh, Thái Học Kỳ, Sáu Cường, Lê Hữu Vĩnh, Đông Phương Sóc, Lữ Hồng Cơ, Dương Thuận Hòa …, miền Trung có Châu Long, Đỗ Hy Sinh, Cao Thành Sang, Trọng Đài, Minh Cảnh …, miền Bắc có Nguyễn Lâm, Nguyễn Lan, Trần Văn Tấn, Nguyễn Văn Viễn, Phan Sang, Vũ Nghiêm, Trần Quỳnh, Hoàng Nghĩa Đường, Ngọc Hồ, Ngọc Long, Đặng Hồ Khuê, Trần Văn Khang, Trịnh Ninh, Hà Vượng …, trong đó có nhiều võ sĩ thi đấu ở các giải Đông Dương, Cambodia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và thắng cả những võ sĩ người Pháp (Đông Phương Sóc thắng Wuillaume, Kim Sang thắng võ sĩ vô địch nước Pháp De Martino).

Trong thời gian ấy tại Quảng Nam cũng có khá nhiều võ đài được dựng lên. Các võ đài được tổ chức vào các ngày lễ hoặc tại các hội chợ đấu xảo. Người đứng ra tổ chức võ đài thường là một sĩ quan Pháp, đôi khi là chính quyền sở tại hoặc là một trong những vị mạnh thường quân lúc bấy giờ như các ông Vương Sỹ, Vưu Minh, Năm Sửu … Võ sĩ Quảng Nam từ các huyện tập trung về thi đấu với nhau, có khi thi đấu với những võ sĩ trong Nam, ngoài Bắc được mời đến. Cũng có nhiều lần Quảng Nam cử võ sĩ ra Huế thi đấu tại các giải lớn.

Những võ sĩ Quảng Nam nổi tiếng lúc bấy giờ có Tư Phụng, Hương Sơ, Trương Khả, Năm Sửu, Lê Hoan, Nguyễn Bầu, Bùi Hí, Hồ Cưu, Hồ Cập, Bùi Nghĩnh, Lưu Thanh Bình …, trong số đó Hồ Cưu là võ sĩ nổi tiếng nhất.

Hồ Cưu Võ sĩ Quảng Nam

cố Võ sư Hồ Cưu (1913-1948) phái Võ Long Xà

Hồ Cưu Võ sĩ Quảng Nam

cố Võ sư Hồ Cập (1919-1968) phái Võ Long Xà

Ông người huyện Điện Bàn, đã làm điêu đứng biết bao võ sĩ trong và ngoài tỉnh với một ngón nghề điêu luyện siêu đẳng, đó là tuyệt chiêu “hốt ngựa”. Theo những vị cao niên bảy, tám mươi tuổi thường đi xem Hồ Cưu đánh võ đài kể lại thì đêm nào có Hồ Cưu thi đấu, sân bãi đều chật ních khán giả. Khi Hồ Cưu đã nổi tiếng, ông thường được sắp xếp đánh ở độ then chốt, tức là trận cuối cùng đã về khuya. Và dù khuya đến mấy, khán giả vẫn đứng giữa sương đêm, gió lạnh để chờ xem Hồ Cưu hốt ngựa. Những võ sĩ thi đấu với Hồ Cưu gần như ai cũng biết ông sẽ “hốt ngựa” nên hết sức cảnh giác, tránh né khi Hồ Cưu hụp xuống, lặn vào nhập nội. Nhưng rồi … chính vì luôn luôn cảnh giác mà các đối thủ của Hồ Cưu rơi vào thế bị động. Khi tấn công thì họ không đủ quyết tâm, khi phòng thủ thì họ quá co cụm làm mất sự linh hoạt để trở thành mục tiêu cố định cho Hồ Cưu thực hiện tuyệt chiêu của mình. Thường thì sau khi một số đòn giả tung ra như thật, Hồ Cưu liền hụp xuống và chớp nhoáng nhập nội gắn liền với kỹ thuật ra đòn chính xác. Chỉ trong chớp mắt, Hồ Cưu đã dùng đôi cánh tay “song câu” như móc sắt ôm gọn hai chân đối phương, nhấc bổng lên khỏi sàn đài và ném xuống … Đã hàng mươi lần thấy Hồ Cưu “hốt ngựa” như thế, nhưng lần nào khán giả cũng sững sờ vì mọi diễn biến xảy ra quá nhanh chóng và tưởng chừng như Hồ Cưu chỉ là một cái máy.

Hồ Cưu Võ sĩ Quảng Nam

Thế “hốt ngựa” danh bất hư truyền đất Võ Hồ Công (1)

Hồ Cưu Võ sĩ Quảng Nam

Thế “hốt ngựa” danh bất hư truyền đất Võ Hồ Công (2)

Nhưng rồi … cũng không thể không nhắc đến một lần duy nhất Hồ Cưu không thực hiện được ngón nghề sở trường của mình. Đó là lần Hồ Cưu đấu với Bùi Hí (võ sĩ huyện Duy Xuyên) tại phố Hội An. Thực ra thì Bùi Hí đã nghiên cứu ngón nghề của Hồ Cưu rất lâu, rất kỹ. Khi Hồ Cưu vừa nhập nội, vòng tay ôm chân Bùi Hí, Bùi Hí không đứng nhanh lên thoát ra theo phản xạ như những võ sĩ khác, ngược lại, ông ngồi hẳn xuống làm đôi tay của Hồ Cưu bị khóa chặt vào sau đầu gối của đôi chân ông, còn hai tay ông thì ôm gọn lấy đầu Hồ Cưu kéo sát vào ngực mình. Thế là cả hai võ sĩ rơi vào tư thế bất động, không ai làm gì được ai. Ghì nhau vài phút rồi cả hai cùng buông nhau ra, cười ha hả, chấp nhận một trận hòa đầy lý thú, làm hả dạ cả người đấu lẫn người xem. Câu chuyện ấy đã trở thành giai thoại trong làng võ đất Quảng Nam và được nhắc mãi đến ngày nay.

Tìm hiểu về Hồ Cưu cũng nên biết một chuyện, là có lần thấy việc bất bình Hồ Cưu đã “đơn thân độc mã” chống lại hơn mười người hùng hổ chỉ với chiếc mâm đồng trên tay và ngón “hốt ngựa”, bốc đối phương lên làm lá chắn. Trận chiến diễn ra cả giờ đồng hồ mà Hồ Cưu chỉ rách một chiếc áo cho đến khi có người nhà đến giải nguy. Theo thông tin gần đây: “Hồ Cưu – người xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn – là hậu duệ của một dòng võ do một quan võ đời nhà Mạc, từ Nghệ An vào sinh cơ lập nghiệp tại Điện Bàn. Viên quan võ ấy tên là Võ Công Sùng đã truyền dạy võ nghệ cho dân làng trong đó có ông nội của Hồ Cưu là Hồ Hương. Hồ Hương có biệt tài nhảy qua nóc nhà. Một lần trong làng có nhà bị cháy cần có người trèo lên dỡ tranh để dập tắt lửa, không cần thang, Hồ Hương đã bốc từng người đưa lên mái nhà rồi bản thân ông nhảy lên nóc nhà nhanh như sóc. Đặc điểm võ nghệ do ông Võ Công Sùng truyền lại là luồn lách nhập nội, đánh đòn ngắn, hiểm độc, có hiệu quả thực dụng, những đòn dài chỉ là đòn gió đề luồn lách”.

Suốt gần hai mươi năm tham gia Ban chuyên môn, Ban huấn luyện quốc gia, làm trọng tài, giám khảo ở nhiều giải vô địch võ cổ truyền toàn tỉnh, toàn quốc, và đọc khá nhiều tài liệu nghiên cứu võ cổ truyền, tôi chưa từng thấy võ sĩ nào sử dụng thành công thế “hốt ngựa” theo “cách” của Hồ Cưu. Có thể nói rằng tài nghệ ấy, tuyệt chiêu ấy đã và sẽ mãi mãi đi theo người võ sĩ tài ba đất Điện Bàn – người võ sĩ nỗi tiếng một thời và lưu danh mãi mãi trong làng võ nghệ đất Quảng Nam.

Võ sư Trần Xuân Mẫn (Hội An)
Trích “Sổ tay Võ Thuật” số 87 – Xuân Mậu Tý

Tư liệu Ảnh: Nguồn Vugiathanphap.Com 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com