Lời nói đầu
Tôi biên soạn tài liệu này nhằm tưởng nhớ tôn vinh cuộc đời hoạt động cách mạng và võ thuật siêu đẳng của cố Võ sư Vũ Bá Quý, giúp cho các con cháu, anh em họ hàng, các môn sinh võ thuật và bạn bè khắp nơi hiểu được hệ thống quá trình hoạt động cách mạng và rèn luyện của cố Võ sư. Từ đó, chúng ta tự hào là con cháu và là các môn sinh của môn phái “ Vũ gia thân pháp ” – với mục đích học võ để rèn luyện thân thể, nâng cao ý chí nghị lực trong công tác, trong học tập và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân khi Tổ quốc bị quân thù xâm lược.
Tôi tha thiết mong mỏi các bạn, các môn sinh và bạn bè khắp nơi hãy cung cấp cho chúng tôi những tư liệu, những hình ảnh, những câu chuyện về cố Võ sư và các hoạt động Võ thuật của Môn phái Vũ gia thân pháp để chúng tôi có thể tổng hợp lại đầy đủ hơn cho lần in sau này.
Trong quá trình biên soạn, chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, mong các bạn thông cảm, bổ khuyết cho cuốn sách này để ngày càng hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các Võ sư và ông Nguyễn Sỹ Phác đã cung cấp các tư liệu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích trong quá trình biên soạn.
Xin chân thành cảm ơn
Vũ Bá Hùng
Cố võ sư Vũ Bá Quý có 7 người con, các con của cụ đã trưởng thành và được tôi luyện trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Họ hàng con cháu nội ngoại của Võ sư đều tham gia cách mạng, không có ai làm tay sai cho chính quyền phong kiến đế quốc. Nhiều con cháu tòng quân đi bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ. Gia đình võ sư Vũ Bá Quý đã được nhà nước ta tặng nhiều huân huy chương và được công nhận là gia đình có công với cách mạng. Võ sư Vũ Bá Quý được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Con cả của cụ là ông Vũ Bá Hùng – cán bộ cao cấp quân đội, nguyên là cán bộ của Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Công binh. Ông đã tốt nghiệp trường Cao cấp công trình binh Quy-bư-sép tại thủ đô Mạc-tư-khoa với Bằng đỏ huy chương vàng niên khóa 1967-1973.
Con thứ hai là ông Vũ Bá Cường – tiến sỹ khoa học, đã tốt nghiệp tại Học viện cầu đường ở thủ đô Vác-xa-va, Ba Lan và Viện kỹ thuật giao thông tại Paris Pháp, nguyên là Trưởng phòng nền móng của Viện Kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
Con thứ ba là Bà Vũ Thị Việt – kỹ sư hóa học, nguyên là cán bộ của Tổng cục kỹ thuật, Quân đội nhân dân Việt nam.
Con thứ tư là Bà Vũ Thị Đoàn – kỹ sư địa chất nguyên là cán bộ của Viện dầu khí của Tổng Công ty Dầu khí.
Con thứ năm là Bà Vũ Thị Nam – y sỹ trung cấp, thương binh loại 3 nguyên là cán bộ của Bệnh viện huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
Con thứ sáu là bà Vũ Thị Hồng – nông dân, nội trợ gia đình.
Con thứ bẩy là bà Vũ Thị Ngọc – kỹ sư nông nghiệp nguyên là cán bộ của cơ quan Bộ Nông nghiệp.
Cố võ sư Vũ Bá Quý sinh năm 1912 trong một gia đình khá giả tại thôn Đào Du, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ cụ đã thể hiện là một thiếu niên thông minh lanh lợi và hiếu động. Năm 1930 sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, ngay từ khi còn học tại trường tiểu học huyện Mỹ Hào, cụ đã tham gia các hoạt động bí mật dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng cộng sản ở địa phương do bà Ngô Thị Nhung, bà Ngô Thị Sâm – người thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên phụ trách. Cụ là người đầu tiên bí mật đi tuyên truyền vận động các học sinh, thanh niên địa phương tham gia vào tiểu tổ thanh niên tích cực (tức thanh niên cách mạng) hoạt động chống lại chính quyền thực dân Pháp ở địa phương như rải truyền đơn kêu gọi nhân dân chống pháp, chuyển các tài liệu bí mật của Đảng cho các cơ sở cách mạng và bảo vệ các cơ sở Đảng … Trong số các học sinh của trường tiểu học Mỹ Hào được cụ vận động và kết nạp vào tổ chức thanh niên cách mạng hiện còn có ông Lương Văn Trọng – người làng Chảng, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, nguyên là Giám đốc chính trị nhà hát nhạc – vũ kịch Hà nội, nghỉ hưu tại số nhà 59 tổ 3 làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà nội.
Khi hoạt động bí mật tại địa phương bị lộ, cụ phải chạy ra Hà nội để tránh địch bắt nhưng vẫn liên hệ với bà Nhung bà Sâm và ông Huệ (người làng Phù Lưu huyện Từ Sơn, Bắc Ninh – nguyên là Giám đốc Viện bảo tàng cách mạng Việt nam ở Hà nội) để hoạt động.
Năm 1936 – 1939 khi chính phủ bình dân Pháp ra đời, thì phong trào đấu tranh chính trị đòi tự do dân chủ, chống áp bức của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Cụ Vũ Bá Quý đã tham gia hoạt động và đóng góp tích cực cho ba tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ ở Hà nội là tờ Le travail , tờ Thời thế và tờ Thời báo cho đến khi cả ba tờ báo bị chính quyền Pháp bắt đóng cửa. Suốt thời gian này cụ đã hoạt động cùng với ông Chu Văn Tập bí danh là Học Phi – đảng viên Đảng công sản Việt nam từ năm 1932, nguyên là Tổng thư ký Hội nghệ sỹ sân khấu Việt nam, chuyên viên bậc 7, đã nghỉ hưu tại số nhà 11A phố 325 quận Hai Bà Trưng Hà nội. Cũng trong năm 1936 cụ đã xây dựng gia đình cùng bà Ngô Thị Tý người làng Lộ Đông, xã Tiên Thắng huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là quê hương của vùng đặc sản thuốc lào ngon nhất Việt nam. Cụ bà được anh ruột là Ông Ngô Văn Thênh giúp đỡ, mở cửa hiệu buôn bán thuốc lào tại đầu phố Sinh Từ. Tuy đã có gia đình nhưng cụ Quý không quan tâm nhiều đến việc kinh doanh, mọi việc đều do cụ bà đảm nhiệm, còn cụ ông chỉ say mê học tập và rèn luyện võ thuật. Cả cuộc đời vì sự nghiệp võ nghệ, có lẽ hiếm có ai lại đam mê võ nghệ như Cụ.
Những nội dung tiếp theo:
Tòng quân để huấn luyện võ thuật cho bộ đội
Hoạt động trong lòng địch
Tiếp tục truyền thụ võ nghệ cho đời sau
Đưa môn võ thuật vào các nhà trường
Như chúng ta đã biết lúc đương thời võ sư Vũ Bá Quý đã cống hiến liên tục cả cuộc đời của mình cho nền võ thuật Việt nam. Cụ đã đào tạo được nhiều lớ thanh niên ưu tú của nhiều giai tầng trong xã hội.
Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, mặc dù là chủ tịch Liên đoàn vận tải ô tô và là thẩm phán tòa án của tỉnh rất bận rộn, nhưng cụ Quý vẫn tổ chức dạy võ thuật cho Đại đội dân quân tự vệ của tỉnh Hải Dương cho đến ngày toàn quốc kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của nhân dân ta, cụ Quý lại tình nguyện xung phong ra nhập quân đội, cụ đã huấn luyện võ thuật cho hai Đại đội biệt động của Trung đoàn 42 – đó là tiền thân của bộ đội đặc công sau này.
Hòa bình lập lại, cụ lại tiếp tục mở các lớp dạy võ thuật cho các thanh niên ưu tú có phẩm chất đạo đức tốt trên khắp đất nước.
Tới nay nhiều môn sinh của Cụ ở các khóa huấn luyện đầu đã trưởng thành. Họ đã được sư phụ truyền thụ cho các tinh hoa của nền võ thuật Việt nam. Nhiều người trong số họ là cán bộ cao cấp của quân đội, là kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ khoa học, là cán bộ cao cấp trong các cơ quan nhà nước, là các nhà doanh nhân, là các giám đốc của các công ty. Nhiều môn sinh của các khóa đầu tiên hiện nay cũng đã nhiều tuổi, họ đã nghỉ hưu sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc, với xã hội. Nhưng cũng có nhiều môn sinh thế hệ thứ hai và thứ ba của môn phái Vũ gia thân pháp có đức, có tài, có trình độ võ thuật cao trở thành các võ sư danh tiếng trong làng võ Việt nam. Với nhiệt tình và tâm huyết phát triển môn phái, mặc dù có nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng họ đã vượt qua để tổ chức mở các giảng đường luyện võ ở khắp nơi, giúp cho hàng trăm thanh niên có điều kiện rèn luyện thân thể cường tráng, rèn luyện ý chí nghị lực vững vàng phục vụ cho công tác, học tập và truyền thụ lại cho họ các tinh hoa của môn võ thuật Vũ gia thân pháp.
Tôi không thể kể hết tên tuổi các môn sinh của các thế hệ, có tài năng đạo đức và có trình độ võ thuật siêu đẳng của môn phái Vũ gia thân pháp. Trong tài liệu này tôi chỉ nêu lên một số võ sư đang hoạt động truyền bá phổ biến võ thuật của môn phái Vũ gia thân pháp trong các võ đường ở trong và ngoài nước để các bạn thanh niên tham khảo:
1. Võ đường 74 Phó Đức Chính, Hà nội
2. Võ đường tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương 190 Quán Thánh
3. Võ đường tại Trường Mầm non Chu Văn An, 17-19 Thụy Khuê
4. Võ đường tại đền Voi phục (đền Voi phục là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long)
5. Võ đường tại 484 Âu cơ
6. Võ đường tại 27 Huỳnh Thúc Kháng
7. Các cơ sở đào tại tại Hưng Yên, Hải Dương, Vũng Tàu và tp Hồ Chí Minh
8. Các cơ sở võ thuật tại CH Séc, CHLB Đức, Canada
9. Võ đường tại sn 80 ngõ 40 phố Võ Thị Sáu, Hà nội
10. Võ đường Hòe Nhai
***
Võ sư Nguyễn Phúc Nguyên
Võ sư Nguyễn Phúc Nguyên là một trong các võ sư xuất sắc được võ sư Vũ Bá Quý truyền thụ võ thuật ngay từ lúc còn trẻ, là người rất ham mê võ thuật, rất chịu khó luyện tập và nghiên cứu, tư duy sâu xa về các tuyệt chiêu mà thầy đã dạy. Trong nhà có đầy đủ côn, kiếm tập luyện. Sẵn sàng vui vẻ trao đổi kinh nghiệm võ thuật một cách chân thực và sôi nổi với bạn bè đồng nghiệp.
Võ sư Nguyễn Phúc Nguyên hiện nay cũng đã hơn 60 tuổi, sống tại số nhà 80, ngõ 40, phố Võ Thị Sáu, Hà nội, chỉ nhận một số ít học viên để dạy, còn chủ yếu là bổ túc nâng cao trình độ võ thuật cho một số học viên đã có trình độ võ thuật. Trong phòng luyện võ của võ sư Nguyên , trên tường bên phải được treo chân dung của cố võ sư Nguyễn Tế Công và sư phụ võ sư Vũ Bá Quý, trên tường bên trái là bức hoành phi đề ba chữ vàng “ Vũ gia Quyền” do cụ Lỗ công Nguyễn Văn Bách_nhà thư pháp nổi tiếng của thủ đô Hà nội viết để ca ngợi môn phái Vũ gia thân pháp do sư tổ Vũ Bá Quý sáng lập.
Lỗ công Nguyễn Văn Bách là một thầy thuốc Đông y, nổi tiếng là người viết Thư pháp đẹp nhất Hà nội, ông sinh năm 1925 thường trú tại phường Tràng tiền. Vì rất khâm phục võ thuật của võ sư Vũ Bá Quý, ông đã viết trên hoành tự 3 chữ “VŨ GIA QUYỀN” để tặng cho môn phái Vũ gia thân pháp.
Võ sư Nguyễn Tiến Mỹ
Võ sư Nguyễn Tiến Mỹ là một trong các học trò ưu tú của môn phái Vũ gia thân pháp, đã được võ sư Vũ Bá Quý truyền thụ cho các tinh hoa bí kíp võ thuật. Bản thân luôn tìm tòi học hỏi luyện tập để không ngừng nâng cao bản lĩnh võ thuật. Là một trong các trụ cột của môn phái, võ sư Mỹ đã kế tục sự nghiệp võ thuật của sư phụ, từng bước phát triển môn phái trong các tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh. Trong quá trình phát triển môn phái Vũ gia thân pháp, với sự cộng tác của võ sư PGS. TS. Đoàn Lê – là chủ tịch hội đồng điều hành của môn phái – giám đốc Trung tâm chuẩn bị quỹ đất của Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Võ sư Mỹ đã mở nhiều lớp dạy võ để truyền thụ võ thuật siêu đẳng của môn phái Vũ gia thân pháp cho hàng trăm thanh niên có tinh thần nhiệt huyết ở khắp ba miền, với phương châm học võ là để rèn luyện thân thể bảo vệ Tổ quốc. Môn phái võ thuật Vũ gia thân pháp cùng với các môn phái võ thuật khác là các tổ chức võ thuật nòng cốt của hội võ thuật Hà nội (hiện nay võ sư Mỹ đã trên dưới 60 tuổi, sống tại số nhà 74 Phó Đức Chính Hà nội).
Võ sư Hoàng Tam Diệu
Võ sư Hoàng Tam Diệu là một trong số các võ sinh xuất sắc của võ sư Vũ Bá Quý, hơn 10 năm theo học, rèn luyện võ nghệ đã được võ sư Vũ Bá Quý truyền thụ cho những tinh hoa võ thuật của môn phái Vũ gia thân pháp. Năm 1987 trong đại hội võ sinh của môn phái Vũ gia thân pháp đã được tổ chức tại phố Mỹ hào, theo đề xuất của sư phụ Vũ Bá Quý, võ sinh Hoàng Tam Diệu đã được toàn thể anh em đồng môn bầu là Chưởng môn của khóa học. Năm 1993 võ sư Hoàng Tam Diệu đã cùng sư phụ Vũ Bá Quý sang Tiệp khắc. Tại Tiệp khắc hai thầy trò võ sư đã biểu diễn võ thuật của môn phái Vũ gia thân pháp trong các Câu lạc bộ võ thuật của nước Bạn. Đã giới thiệu các tinh hoa võ thuật Việt nam, đã làm cho các môn phái võ thuật của thế giới hiểu biết đầy đủ hơn và kính trọng khâm phục nền võ thuật Việt nam. Sau đó võ sư Vũ Bá Quý sang thủ đô của nước Áo theo lời mời của các Việt kiều, võ sư Hoàng Tam Diệu ở lại Tiệp Khắc để tiếp tục dạy võ cho sinh viên Việt nam ở thủ đô Praha. Từ năm 2006 võ sư Diệu chuyển sang dạy dưỡng sinh nhằm nâng cao thể lực và độ bền cho các môn sinh đã lớn tuổi và chỉ truyền thụ và nâng cao trình độ võ nghệ cho các anh em lâu năm. Hiện nay võ sư Diệu thường trú tại phố Hòe Nhai.
Võ sư Phi Lân
Sau hàng chục năm được võ sư Vũ Bá Quý giảng dạy võ thuật, phân tích tỷ mỷ các chiêu thức tuyệt xảo nên đã trở thành một võ sư có tài và đã nhiệt tình tham gia vào các hoạt động võ nghệ của Hội võ thuật Hà nội. Hiện võ sư Phi Lân đang giữ chức Chủ tịch hội đồng cố vấn hội võ thuật Hà nội. Võ sư đã có công đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho môn phái.
Ngoài ra còn nhiều võ sinh khác đã thành danh như võ sinh An Kiều là cán bộ cao cấp, thư ký của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Việt nam. Võ sinh Nguyễn Hùng nhà doanh nhân, võ sinh Nguyễn Văn Hiếu, võ sinh Đào Hùng Tiến, võ sinh Đinh Trường v.v…
Các môn sinh “Vũ gia thân pháp” tại Mỹ Hào, Sặt và Yên Mỹ
Tại quê hương, võ sư Vũ Bá Quý cũng đã đào tạo truyền thụ tinh hoa võ thuật Vũ gia thân pháp cho nhiều thanh niên ở địa phương. Họ là những thanh niên ưu tú có ý chí, có đạo đức, ham mê võ thuật, chịu khó học tập võ thuật nên đã tiến bộ rất nhiều, đã nắm chắc được các chiêu thức biến hóa trong tấn công phòng thủ mà sư phụ đã giảng dạy. Sau nhiều năm theo thầy học đạo, họ đã trở thành các cao thủ võ thuật của môn phái. Tới nay họ là các cán bộ của các cơ quan của địa phương hay là các doanh nhân. Tuy không tham gia vào các hoạt động võ thuật nhưng vẫn liên lạc thường xuyên với các võ sinh của môn phái vũ gia thân pháp khác. Trong tài liệu này tôi chỉ mới giới thiệu được một số các võ sinh tại địa phương, hy vọng sau này tài liệu sẽ có đầy đủ tên các võ sinh khác.
Võ sư Việt Long
Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Việt Long đã ham mê võ thuật. Anh đã yêu mến về môn phái võ Vũ gia thân pháp, đã nhận thấy tính chất ưu việt của nó, rất phù hợp với nguyện vọng của Anh. Và chính vì vậy Anh đã đến gặp lão võ sư Vũ Bá Quý để xin Người truyền dạy võ thuật cho anh. Và từ đó anh đã trở thành môn sinh của môn phái Vũ gia thân pháp.
Với quyết tâm rèn luyện thân thể cường tráng, ra sức nâng cao ý chí, liên tục khổ luyện học tập võ thuật Vũ gia thân pháp, được Sư phụ truyền dạy cho các tinh hoa của các chiêu thức võ công thượng đẳng và chịu khó học tập trao đổi kinh nghiệm giao đấu võ thuật với các đồng môn, sư huynh, sư thúc khác nên Việt Long đã tiến bộ vượt bậc. Trải qua nhiều năm tự rèn luyện võ nghệ, sau khi Sư phụ lão võ sư Vũ Bá Quý qua đời, Việt Long đã trở thành một võ sư thực thụ của làng Võ thuật Hà nội Việt nam. Anh đã được Hội đồng Võ thuật Unesco cấp giấy chứng nhận là võ sư cùng với các võ sư khác.
Đáp ứng lòng mong mỏi của Sư phụ là phải không ngừng truyền đạt võ thuật Vũ gia thân pháp cho các bạn thanh thiếu niên Việt nam, xây dựng một lớp thanh niên Việt nam có đức có tài sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân chống mọi quân xâm lược, Việt Long đã tổ chức CLB Vĩnh Xuân Vũ gia thân pháp để truyền thụ cho các tầng lớp thanh niên và cán bộ của các cơ quan nhà nước Võ thuật của môn phái.
Phụ lục
1. Võ sư Hồ Cưu thuộc môn phái võ “Long Xà” do báo Công an thành phố Đà Nẵng đăng tải trong báo Xuân Nhâm Ngọ số 18.
2. Cái quý nhất đời là Sức khỏe và một số bài thuốc chữa bệnh.
Hy vọng lần tái bản thứ hai sẽ có nhiều tư liệu phong phú hơn. Rất mong các bạn, các môn sinh tích cực tham gia đóng góp bài viết, gửi ảnh có liên quan đến hoạt động của Môn phái Vũ gia thân pháp cho chúng tôi theo địa chỉ: “ Ông Vũ Bá Hùng, số nhà 208, dãy nhà C2 ngõ 815 đường Giải Phóng, Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà nội.
Điện thoại liên lạc: 04.36642831 & 0993324781
Email: vubahung6137@gmail.com
Xin cảm ơn và chào tạm biệt!
Vũ Bá Hùng
Chúc tất cả họ hàng nội ngoại, bạn bè chiến hữu, tất cả các võ sư, các môn sinh và những người yêu quý môn phái võ Vũ gia thân pháp: khỏe mạnh, sống lâu, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống !!
Nguồn: Vugiathanphap.Cơm