Người Khmer có một môn võ thuộc diện kỳ lạ nhất thế giới, tồn tại hàng nghìn năm đó là Bokator.
Môn võ để “đập sư tử”
Theo một tài liệu nghiên cứu, Bokator được xếp vào danh sách 1 trong 10 môn võ kỳ lạ nhất thế giới bởi phong cách của nó mang những đặc trưng cực kỳ khác biệt.
Đây là một môn võ lạ có nguồn gốc từ Campuchia, được ra đời từ khoảng 1700 năm trước. Theo tiếng Khmer, “Bokator” có nghĩa là “đập chết sư tử”.
Ngay từ cái tên đã thấy khá lạ bởi sử tử là loài động vật hoang dã vốn phân bố chủ yếu ở châu Phi và một số ít ở Tây Á trong khi hổ mới là loại đặc trưng ở vùng Đông Dương.
Tên gọi của môn võ này bắt nguồn từ giai thoại rằng, cách đây khoảng hơn 2000 năm, có làng thuộc dân tộc Khmer bị một con sử tử rất hung dữ tấn công.
Khi dân làng không thể tìm ra cách để hóa giải nỗi ác mộng này thì có một chiến binh xuất hiện với chỉ duy nhất con dao trên tay.
Chiến binh ấy đã chiến đấu với sư tử bằng tay không và sau đó đã giết chết con thú dữ bằng một cú đá. Đây là nguồn gốc hình thành nên môn võ Bokator.
Theo ghi chép từ lịch sử, môn võ này từng được các vị vua Angkor sử dụng để phố biến trong quân đội, từng trở thành một thế lực cực kỳ hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á trong hơn 6 thế kỷ bắt đầu từ năm 800 sau Công Nguyên.
Mãi tới thời điểm chế độ Pol Pot (1975-1979), môn võ này bị đàn áp bởi lực lượng Khmer Đỏ. Tuy nhiên, một số bậc thầy của Bokator đã theo dòng người tị nạn chạy trốn sang Mỹ.
Trong đó, San Kim Sean là một cao thủ khét tiếng, được coi là cha đẻ của môn Bokator hiện đại. Ông sống ở Houston, Texas và sau đó chuyển đến Long Beach, California. Tại đây ông tập và dạy Bokator kết hợp với một số đòn thế của Hapkido.
Cho tới khoảng năm 1992, ông và một số cộng sự đã quay trở về Campuchia để khôi phục lại phong trào Bokator. Đến năm 2001, San Kim Sean chính thức được dạy công khai môn Bokator dưới sự cho phép của Quốc vương Campuchia.
Kể từ đó tới nay, Bokator dần được phát triển một cách tương đối mạnh mẽ. Hiện tại đã có khá nhiều nước trên thế giới biết đến môn võ độc đáo này.
Môn võ dị biệt, kỳ quái
Theo nghiên cứu, Bokator chịu sự ảnh hưởng của võ thuật Ấn Độ với màu sắc Hindu giáo cùng với võ thuật của một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam tuy nhiên lại mang màu sắc riêng của người Khmer.
Hệ thống đòn thế của Bokator vô cùng đa dạng gồm 341 bộ, trong đó hầu hết tất cả các động tác đều được bắt chước theo phong cách chiến đấu của các loài vật hoang dã như ngựa, chim, đại bàng, rắn, hổ, sư tử, thậm chí cả…vịt.
Có một số tài liệu còn khẳng định Bokator có tới hơn 10.000 kỹ thuật sử dụng khuỷu tay, đầu gối, ném, vật, khóa… là một nguồn vô tận cho các võ sĩ có thể tập luyện và áp dụng trong thực tế.
Mặc dù dùng nhiều khuỷu tay, gối nhưng kỹ thuật trong Bokator hoàn toàn khác với Muay Thái hay Kickboxing.
Trong khi Kickboxing là môn thể thao chiến đấu thì Bokator lại được sử dụng nhiều trên chiến trường và chủ yếu là chiến đấu trên mặt đất.
Trong các kỹ thuật cổ truyền, môn võ này vừa có thể đánh tay không và vũ khí (phổ biến nhất là gậy tre, gậy ngắn).
Ngoài các đòn tấn công bằng gối, bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cẳng chân thì đầu thì vai, hông, xương hàm, ngón tay cũng được dùng để chống lại đối phương nhằm khống chế hoặc cũng có thể làm tử vong.
Trang phục của môn võ này cũng được thế giới đánh giá là khá kỳ cục bởi các võ sĩ bắt buộc phải đội khăn quàng đầu và đẳng cấp của từng võ sĩ phụ thuộc vào màu của chiếc khăn đó (có 7 màu trong đó cao nhất là khăn vàng).
Khi chiến đấu, các chiến binh thường mặc các trang phục cổ truyền của quân đội Khmer, có những sợi dây lụa màu xanh và đỏ được coi như những lá bùa để giúp các võ sĩ tăng thêm sức mạnh.
Năm 2006, cuộc thi Bokator cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, thu hút 9 tỉnh tham dự.
Tại Campuchia, Bokator không chỉ là một môn võ chiến đấu mà còn trở thành một biểu tượng văn hóa của người Khmer.
Người ta đã tìm thấy rất nhiều những hình vẽ về môn võ này được xuất hiện rất nhiều trong các bức phù điêu ở các ngôi đền cổ tại Campuchia, cách đây hàng ngàn năm.
Video kèm theo: Phóng sự về môn võ Bokator