» Hồi-Quang Phản chiếu – Tọa Thiền (Ngồi thiền)

Hồi-Quang Phản chiếu – Tọa Thiền (Ngồi thiền)

Bài Sưu tầm Tháng Năm 30, 2021

Tọa thiền

Ngồi Thiền là phương pháp chế ngự  đè nén và đẩy lui tất cả những con Ma ham muốn, tình cảm và vọng tưởng để cho cái Tâm Sáng Suốt hiện bày ra.

Phàm thiền và Thánh thiền

Ngồi Thiền để định Tâm, giải quyết các vấn đề thuộc về thế gian, gọi là Phàm Thiền, tức là cái Thiền của kẻ phàm.

Ngồi Thiền để giải quyết các vấn đề xuất thế gian là Đạo Thiền hay Thánh Thiền. Nếu Bạn nhận thấy cuộc đời là giả-tạm, là ngắn ngủi, thân xác bạn là nơi phát sinh và chứa nhóm các khổ đau, khi vui ngắn chẳng đầy gang, nỗi buồn kéo nhau tiếp đến, và bạn muốn tìm hiểu nguyên nhân của sự sống chết, của sự khổ sở vì bịnh hoạn, già yếu, mệt mỏi, nghèo cực. Bạn muốn tìm thấy một con đường đi đến sự Giải thoát cao siêu, đến Hạnh phúc chân thật vĩnh viễn và tìm thấy Trí huệ minh mẫn soi thấu bức màn bí mật của vũ trụ vạn vật và thoát khỏi Luân Hồi sanh diệt, bạn vẫn phải áp dụng phương pháp Ngồi Thiền.

Quay trở về với cái tâm hoàn toàn sáng suốt và thanh tịnh của chính mình bằng cách dẹp trừ tất cả những con Ma tham dục, tình cảm và vọng tưởng, mở toác tất cả các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng không để cho những con ma ấy quấy rối cái Tâm, hoặc đóng bích tất cả các giác quan lại, chặn đứng các con Ma ấy ở bên ngoài, để cái Tâm hoàn toàn yên tĩnh, phẳng lặng và trong trẻo như mặt nước hồ mùa Thu không chút gợn sóng ấy nếu không ngồi Thiền, bạn sẽ không làm được như thế.

Hồi-Quang Phản Chiếu ngồi thiền

Một khi Tâm đã Thanh-Tịnh, bạn sẽ dùng Trí quan sát, phân tách, nhận xét các vấn đề một cách dễ dàng. Như thế gọi là Hồi-Quang Phản Chiếu. Hồi quang là rọi ánh sáng của Trí vào Tâm, chớ không nhìn ra ngoài. Bạn sẽ lắng nghe từng hơi thở đều đặn của mình, nghe từng sự vận chuyển của mạch máu, sẽ nhìn thấu từng đường gân sớ thịt, từng bộ phận trong thân người. Bạn sẽ nhìn theo từng cái ý nghĩ, từng cái vọng tưởng, từng sự ham muốn và mổ xẻ chúng nó ra cho thật kỹ, xem nó từ đâu mà bấy lâu bạn lầm tưởng chúng nó là Bạn, cũng lầm tưởng là Tâm của Bạn. Bấy giờ bạn biết rằng những ham muốn, tình cảm, ý nghĩ và vọng tưởng đó, thật sự không là bạn, cũng không phải là Tâm của bạn.

Ngay đến tấm thân và tất cả các bộ phận trong người bạn cũng không phải là của Bạn, vì chúng nó luôn luôn thay đổi, vận chuyển, biến diệt. Còn cái Tâm Thật Sự (chân tâm) của Bạn thì vẫn thanh tịnh, sáng suốt, không mảy may dính bụi.

Cái thân xác của Bạn có bịnh, có già, có chết. Cũng như những ý nghĩ, ham muốn, tình cảm, vọng tưởng của Bạn luôn luôn thay đổi, lăng xăng lộn xộn, sự thật chúng nó chỉ là những hình ảnh chạy nhảy trên màn bạc, không có gì là thật. Ấy thế mà bấy lâu Bạn mãi chạy theo chúng nó để chịu khổ sở vì chúng nó.

Thế rồi Bạn thốt nhiên tĩnh ngộ, cảm thấy cái Tâm bạn rộng lớn và sáng suốt vô ngần, trong chớp nhoáng cái Tâm ấy không còn bị ràng buộc kiềm hãm bởi xác thân giả tạm và vọng tưởng nưa. Nhưng Bạn hãy coi chừng. Bạn đừng tưởng khi được cái cảm giác sáng suốt ấy là Bạn đã đắc Đạo thành Tiên, Thánh hay Phật gì cả. Tưởng như vậy tức là Vọng tưởng. Mà Vọng tưởng là Ma chướng đó.

Một bực Đạo tâm từng có công phu ngồi Thiền nhiều năm và đã tìm thấy chỗ diệu dụng của Thiền, làm nên bài kệ sau đây, chúng tôi chép lại để các Bạn nào muốn tập ngồi Thiền hãy nhớ lấy và nương theo đó mà chăm chú tinh thần, ắt có lợi ích:


Người tu được Một mới là linh,

Một ấy gắng tìm ở giữa mình,

Lặng lẽ tịnh ngồi, gom Tứ Tổ,

Im lìm ngưng ngó hiệp Tam Tinh,

Đem Thân về cội, Tâm vô động,

Dẫn Khí quy căn, hơi phải bình,

Nhứt khiếu huyền linh, thông vạn pháp

Thiên Kinh vạn quyển, nhứt thời minh”.

Một ấy là cái gì? Tức là Chơn-Như, Chơn-Thần, Chơn-Nhơn, Chơn-Tâm, là Đạo, là Niết-Bàn, là Chơn-Lý v.v…. Một ấy, bạn khỏi tìm đâu xa, hãy tìm ngay trong cái Tâm Thanh-Tịnh Sáng-Suốt của mình. Tứ Tổ là Tứ Đại, tức là tất cả các giác quan. Gom là gom về một mối. Khi Tinh, Khí, Thần hiệp lại làm một, tất nhiên cái tâm phát sanh diệu dụng, sáng suốt tỏ tường soi thấu mọi sự vật.

Bởi trong cái Tâm thanh tịnh và sáng suốt ấy gom chứa và thông suốt tất cả cho nên nói là “Thiên Kinh vạn quyển, nhứt thời minh”. Tất cả Kinh Sách đều do một cái Chơn tâm mà có, tuy bày ra muôn ngàn lời lẽ phương tiện, nhưng cũng đồng một Chơn-lý..

Tham thiền là gì? Tức là phép định tâm để dùng trí suy tưởng xung quanh một vấn đề nào đó. Tham có nghĩa là tham vấn, là hỏi. Thiền là yên lặng tĩnh mịch, gọi là Tham thiền.

Muốn được sự yên tĩnh hoàn toàn nơi thân và tâm, phải dùng phương pháp Tĩnh Tọa.

Trích từ “Yoga & Thiền – Học” – tác giả Nguyễn Duy Hinh (Cồ Việt Tử)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com