Thầy William Reed phỏng vấn đại sư Koichi Tohei cùng với con trai và cũng là người kế nghiệp ông, thầy Shinichi Tohei. Bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nhật, vào ngày 19 tháng Năm năm 2000. Sau đó, được sự đồng thuận của thầy Koichi Tohei, bài phỏng vấn được thầy William Reed dịch ra tiếng Anh.
Cuốn sách “Ki no Kakuritsu” là cuốn tiểu sử của thầy, kể về những điều thầy đã học từ 3 người thầy chính trong đời. Những gì đang được truyền dạy trong Ki Society ngày nay dựa trên những gì thầy đã học từ các vị thầy của mình, nhưng các kiến thức đó không giống hệt với những gì các thầy ấy đã dạy. Xin thầy cho biết điều quan trọng nhất mà thầy đã học từ các vị thầy của mình, và thầy đã bằng cách nào kết hợp những điều ấy lại để tạo nên một hệ thống mới?
Người thầy đầu tiên của tôi là Tetsuju Ogura, vốn là đệ tử của đại sư kiếm thuật Tesshu Yamaoka. Việc tập luyện lúc đó bao gồm các bài tập thở và tụng kinh theo kiểu Misogi vô cùng khắc nghiệt, cùng với đó là nhiều giờ tọa thiền. Trong suốt cuộc đời mình, thầy Tesshu luôn tâm niệm rằng nếu đã định học tập cái gì, thì ta phải kiểm nghiệm nó trong thực tế. Kiểm nghiệm mọi lý thuyết để có được những trải nhiệm, và dựa vào những trải nhiệm đó ta giữ lại những cái đúng và loại bỏ những điều sai. Tất cả những gì tôi truyền dạy ngày nay đều là những điều tôi rút ra từ kinh nghiệm thực tế, của chính tôi và của các môn sinh của tôi nữa.
Tôi học Aikido từ thầy Morihei Ueshiba, cũng tương tự như tôi đã nói ở trên, phương pháp của thầy là trải nhiệm trước rồi mới đặt câu hỏi. Thầy Ueshiba là bậc thầy về Ki, và cũng là người sáng lập ra Aikido. Tuy nhiên, thầy còn là một tín đồ trung thành của đạo Omotokyo, và tôn giáo này cũng gây ảnh hưởng đến cách thầy dạy Aikido. Những cách diễn giải lạ lùng mà thầy đưa ra thật khó mà hiểu được ý nghĩa. Tôi vẫn nhiệt thành tập luyện tất cả các bài tập thầy bảo chúng tôi tập, mặc dù rất nhiều trong số đó xuất phát từ đạo Omotokyo và không có ý nghĩa gì với chúng tôi cả. Ví dụ như thầy bắt chúng tôi phải đọc bảng chữ cái theo một trật tự riêng. Thay vì đọc bảng chữ cái của Nhật theo thứ tự “AIUEO”, chúng tôi phải đọc thuộc và nhắc đi nhắc lại bảng chữ cái theo thứ tự “AOUEI”, cứ như thể trật tự mới này có một ý nghĩa gì sâu sắc. Thầy cũng bảo chúng tôi phải hòa hợp với Ki của Vũ trụ, nhưng lại không nói cho chúng tôi biết làm thế nào để làm được điều đó. Ta có thể học được nhiều điều hơn hẳn, nếu ta chỉ nhìn thầy thị phạm Aikido hơn là nghe thầy giảng giải về nó. Điều thiết yếu tôi học được từ thầy Ueshiba là cách thư giãn. Thầy luôn thư giãn được khi đối mặt với các xung đột, đó là lý do vì sao Aikido của thầy trở nên rất uy lực. Thầy tuy để bản thân thư giãn, nhưng thầy lại luôn bảo các đệ tử của mình phải nắm mạnh hết mức có thể. Trong tập luyện Aikido, nếu ta không thư giãn thì ta chằng thể ném được ai cả. Thầy Ueshiba luôn có thể ném bất cứ ai, và luôn có thể thoát khỏi thế bị cầm nắm, hồi đó chúng tôi thấy điều này rất bí ẩn. Thầy dẫn dắt Ki của ta và luôn có thể ném đối phương trên hướng mà anh ta đang di chuyển. Tôi bắt đầu tiến bộ nhanh thần tốc khi chỉ sao chép và lặp lại những gì thầy làm, và ít chú ý đến những lời thầy lý giải. Rút cuộc, tôi chỉ còn giữ lại 30% những kỹ thuật tôi học được từ thầy, và thay đổi hoặc loại bỏ 70% còn lại. Những gì tôi thực sự học được từ thầy không phải là các kỹ thuật, mà là bí quyết thực sự của Aikido, đó là Bất-phân-tranh, không chống lại sức mạnh của đối phương mà lợi dụng nó.
Sau Đệ-nhị-Thế-chiến, tôi theo học thầy Tempu Nakamura, một bậc thầy yoga kiêm nhà tâm lý học danh tiếng, thầy đã dạy tôi rằng tinh thần điều khiển cơ thể. Khi còn trong thời gian tham chiến, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện chứng minh lý thuyết này. Khi nằm trong vòng lửa đạn khốc liệt, chẳng có ai bị bệnh tật gì cả, nhưng ngay khi chúng tôi đến được điểm an toàn, mọi người bắt đầu buông thả bản thân và rồi bị mắc đủ loại bệnh. Nếu tinh thần trở nên bất cẩn vô ý thì ta sẽ dễ bị nhiễm các bệnh tật. Lý thuyết về tâm trí điều khiển cơ thể mà thầy Nakamura dạy tôi đã giúp tôi hiểu rõ được các nguyên lý của Aikido, và đó cũng là lý do vì sao tôi gọi dòng Aikido của mình là Aikido với Tâm Thân hợp nhất (Shin Shin Toitsu Aikido), ở các nước phương Tây thì hay gọi là Ki-Aikido. Tôi chăm chỉ tập luyện tất cả mọi điều thầy Nakamura dạy. Hệ quả là, từ thực nghiệm, tôi nhận biết được cái gì là có hiệu quả và cái gì thì không. Một phương pháp tôi cho là không hiệu quả đó là cách thiền mà thầy Nakamura dạy xuất phát từ yoga có tên là Kumbahaka. Phương pháp này đòi hỏi phải thít hậu môn, dồn sức xuống bụng dưới, thả lỏng luân xa Búi-mặt-trời ở dưới ngực, vai để xuôi xuống, tai chiếu thẳng xuống vai, và ép môi vào răng. Đây là cách điễn đạt có phần kỳ cục và thậm xưng khi muốn nói đến tư thế tự nhiên. Thầy Nakamura thì không làm như vậy, nhưng thầy lại diễn giải bằng cách đó. Rất nhiều phương pháp tu luyện Á đông dùng những cách nói có phần thậm xưng để diễn giải một tư thế tự nhiên, để rồi cuối cùng tạo ra những kết quả hoàn toàn sai khác. Nhưng tôi thì luôn đem những gì học được áp dụng vào những trải nhiệm cuộc sống. Tôi thấy rằng nếu tôi giữ trạng thái Kumbahaka khi tôi làm việc đồng áng thì tôi sẽ bị đau lưng, nếu là đang đi bộ thì sẽ rất mau mệt, và nếu là đang tập Aikido, thì tôi thấy tôi chẳng đánh được kỹ thuật nào có hiệu quả cả. Điều quan trọng là ta phải “làm bằng cách nào,” chứ không phải nói như thế nào. Bằng cách dựa theo các nguyên lý của tự nhiên, và làm theo những gì thầy thực hành, chứ không phải theo những gì thầy truyền đạt bằng lời nói, tôi đã tìm được cách tập đúng và phù hợp. Thầy có để ý đến điều này và có ra hỏi tôi rằng tôi đang làm gì vậy. Tôi trả lời là tôi đang tập Kumbahaka. Thầy biết và có ý muốn xem xem tôi tập bằng cách nào. Tôi đã chỉ cho thầy xem ngay cả những học viên lâu năm của thầy cũng dễ dàng bị đẩy ngã vì cơ thể họ lúc này căng cứng do cố gắng làm theo những diễn giải phức tạp kia. Những năm sau này, thầy đã thay đổi cách lý giải, nhưng sau khi thầy mất, các đệ tử lại quay trở lại với cách diễn giải cũ, và đến bây giờ thì cách tập này vẫn không khá hơn khi xưa.
Thầy Koichi Tohei và thầy Shinichi Tohei ki aikido
Xin thầy giải thích về quá trình thầy lấy các kỹ thuật Aikido để tạo ra các hệ thống bài tập khởi động, bài tập tăng cường sức khỏe, và gần đây là bài tập Hợp nhất có nhịp điệu (Oneness Rhythm Exercise). Và các bài tập trên có liên quan gì đến Aikido?
Tôi tới Hawaii lần đầu vào năm 1953, sau này tôi có quay lại đó để hướng dẫn Aikido thêm rất nhiều lần nữa. Tôi dạy ở khắp nơi, cả ở đại lục và ở trên từng hòn đảo. Khi tôi quay trở lại các dojo, tôi thấy rằng họ không thể nhớ được hoặc không nhất quán với những gì tôi từng dạy họ. Dường như là có rất nhiều kỹ thuật quá khó để thực hiện, đặc biệt là khi phải thi triển với những người khác nhau. Do vậy tôi mới tạo ra một hệ thống các động tác Aiki Taiso, hay là những bài tập mà ta có thể tập một mình, các bài tập đó có sử dụng các vận động của các kỹ thuật Aikido. Bài tập này đã giúp cho các môn sinh nhớ được kỹ thuật tốt hơn, nhất là khi lúc đó lớp của tôi có đủ mọi thành phần tham gia, cả người già và thanh niên. Ta sẽ học biết được một điều gì đó khi ta tập luyện trong một khoản thời gian đủ dài. Tuy nhiên chỉ có vài người là chuyên tâm tập luyện. Do vậy bài tập này chỉ giúp ích cho một số ít người và khi tôi quay lại đó vào lần sau thì hầu hết những người còn lại không còn nhớ gì nữa. Khi tôi có mặt và hướng dẫn thì ai cũng làm đúng, nhưng khi tôi rời đi một thời gian và quay trở lại thì đã thấy họ quên sạch rồi. Đơn giản là chẳng có gì đọng lại trong đầu họ. Và rồi tôi chợt hiểu là đã có những thiếu sót. Nếu nguyên lý là Tâm-trí điều khiển Cơ-thể, vậy thì chỉ đơn giản tập các vận động cơ thể là không đủ. Để giải quyết vấn đề này, tôi yêu cầu họ tập mỗi động tác lặp lại 2 lần, và thật kinh ngạc, kết quả thu được rất tốt. Sau khi lặp lại động tác thêm lần thứ 2, thì ngay cả những người mới nhập môn cũng dễ dàng hòa hợp Tâm và Thân, và khi được Ki test thì họ đều có tư thế rất vững chãi và cân bằng. Trong vận động lần đầu tiên, Tâm-trí vẫn chưa hoàn toàn hướng theo chuyển động, nhưng khi lặp lại lần thứ 2 thì Tâm và Thân đã được hòa làm một. Nếu ở nhịp đầu mất kết nối, ở nhịp thứ hai lại tìm lại được. Sau đó do vợ tôi cứ thuyết phục, tôi đã phát triển các bài tập này thành bài tập có thể tập theo nhạc để tập thường xuyên, tôi đặt tên cho nó là Oneness Rhythm Exercise (bài tập hòa hợp có nhịp điệu). Mặc dù tới tận ngày nay, nhiều đệ tử của tôi vẫn hiểu sai về nó, nghĩ rằng đây chỉ là bài tập thay thế dùng cho những ai không có điều kiện tập Aikido, nhưng thật ra bài tập này là con đường tắt để cải thiện các kỹ thuật Aikido. Bài tập giúp cho ta thư giãn và giữ được đúng nhịp, vốn là yếu quyết để giúp kỹ thuật Aikido trở nên hiệu quả. Đây chính là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu các môn sinh phải học bài tập này trước khi thi lên đai đen. Ta cũng không cần phải nói nhiều về công dụng của nó nữa. Cứ dùng Ki test để xem trước khi tập và sau khi tập có khác biệt gì là hiểu rõ ngay thôi.
Theo thời gian, thầy đã thay đổi nhiều kỹ thuật Aikido, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng để giúp các kỹ thuật đó phù hợp với các nguyên lý về Ki. Vậy đối với một người tập các phái Aikido khác, hoặc thậm chí là các môn võ khác như Judo hoặc Karate, liệu họ có thể áp dụng các nguyên lý về Ki với các kỹ thuật của môn võ mà họ tập không?
Đương nhiên là được chứ. Các nguyên lý về Ki có thể áp dụng cho mọi môn võ, thậm chí cho cả các môn thể thao, khiêu vũ và các hình thức tập luyện khác nữa. Bốn nguyên lý cơ bản bao gồm: Giữ Nhất-điểm (Keep One Point), Thư giãn hoàn toàn (Relax Completely), Để cho trọng lượng nằm ở phần dưới (Keep Weight Underside), Khuếch trương Ki (Extend Ki). Không có nguyên lý nào là chỉ dùng cho riêng một mình Aikido, và thực ra tất cả các nguyên lý trên đều có thể áp dụng vào bất cứ cái gì mà ta làm trong cuộc sống thường nhật. Tôi đã từng hướng dẫn các nguyên lý này cho VĐV bóng chày chuyên nghiệp Sadaharu Oh, và rồi anh ta đã phá vỡ cả kỷ lục thế giới về giành điểm home run. Các nguyên lý về vũ trụ có thể áp dụng vào bất cứ cái gì ta làm. Nếu ta ghi nhớ các nguyên lý này và áp dụng một cách vô thức vào cuộc sống, các nguyên lý luôn hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, con người ta hay có thói xấu là quên ngay các nguyên lý cơ bản ngay khi họ có được chút ít tiến bộ. Do vậy ta phải tập luyện không ngừng.
Thầy đã tạo lập ra một hệ thống thi đấu theo kiểu Olympic, chỉ dành riêng cho Aikido, sử dụng các kỹ thuật trong các bộ Taigi. Xin thầy cho biết lý do vì đâu mà thầy tạo ra hệ thống này và mục đích chính của nó là gi?
Thầy Ueshiba có dạy rằng Aikido dựa trên nguyên tắc bất-phân-tranh, vì thế nên thầy đã cấm mọi hình thức thi đấu trong Aikido. Tuy vậy, nếu nguyên tắc bất phân tranh bị hiểu sai, nó có thể có nghĩa là bỏ chạy khỏi các vấn đề ta gặp phải, là trốn chạy. Điểm mấu chốt là, trong một cuộc xung đột, ai giữ được sự điềm tĩnh, thư giãn thì người đó mới là người mạnh nhất. Trong các cuộc thi đấu bình thường, ta lấy sức chống lại sức, và ai khỏe hơn thì người đó thắng. Nhưng người thắng cuộc hôm nay chắc chắn sẽ lại có một ngày gặp phải đối thủ xứng tầm. Chẳng ai là bất khả chiến bại. Thực sự, Aikido không dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, thay vào đó ta hóa giải sức mạnh của đối phương bằng cách hợp vào với đối phương và dẫn dắt họ. Thực tế thì đúng như vậy, nhưng nếu ta chưa từng thử kiểm tra nó trong môi trường thi đấu, thì làm sao ta biết được ta có thực hành đúng nguyên lý này hay chưa? Nhưng có điều là các hình thức thi đấu thông thường đều có những quy định an toàn hoặc các luật lệ cố định, điều này khiến cho những người tham gia chỉ tập luyện theo những quy định đó, dần dần tạo ra các thói quen xấu, và rồi những gì họ tập chẳng giúp gì được cho họ khi ở ngoài đời thường, nơi không có một môi trường giống với nơi họ tập luyện. Ý nghĩa thực sự của bất-phân-tranh là giữ được sự điềm tĩnh, thư giãn khi đối mặt với xung đội, tôn trọng Ki của đối phương, và dẫn dắt họ tới một kết thúc mà không gây hại gì cho họ cả.
Cuộc thi Taigi không phải là hình thức thi đấu để xem ai mạnh hơn ai, thay vào đó, đây là nơi để những người tham gia kiểm tra, trình diễn, thi triển các kỹ thuật Aikido, trước đông đảo người xem và trước một ban giám khảo có nhiệm vụ sẽ chấm điểm họ dựa trên những tiêu chí nghiêm khắc, chặt chẽ. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi cần thấy ở họ là Fudoshin (sự vũng chãi, cân bằng), Các chuyển động có nhịp điệu, và Tràn đầy Ki (sự khoáng đạt, đẹp mắt). Trong các kỹ thuật cụ thể sẽ có thêm hàng tá các tiêu chí nữa để chấm, nhưng những tiêu chí trên là quan trọng nhất. Dưới áp lực của cuộc thi, những thói quen trong khi tập luyên sẽ lộ rõ ra. Nhưng cuộc thi này khác hoàn toàn các cuộc đấu võ khác.
Nếu ta hướng một người tới nơi anh ta muốn đến, thì anh ta sẽ vui lòng đi theo ngay. Nếu ta làm vì lợi ích của họ, họ sẽ không chống lại ta. Nhưng nếu ta ích kỷ, bỏ mọi người lại và không lý gì đến họ, thì họ sẽ phản ứng chống lại, và khi đó sẽ có xung đột. Đó là vấn đề của thời nay, khi ai cũng chỉ vì bản thân mình, không thèm quan tâm tới những hậu quả để lại mà những người khác hay môi trường phải gánh chịu. Đây là kết quả của hàng trăm năm ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất của thế kỷ 20, khi mà Thân được đặt trước Tâm. 5 nguyên lý của Aikido cũng có thể áp dụng để dẫn dắt người khác, đó là: Ki được khuếch trương ra (Ki is extending), Biết được tinh thần đối phương (Know your opponent’s mind), Tôn trọng Ki của đối phương (Respect your opponent’s Ki), Đặt mình vào vị trí của đối phương (Put yourself in your opponent’s place), Tự tin dẫn dắt (Lead with confidence). Chúng tôi thực hiện những nguyên lý trên khi hướng dẫn các kỹ thuật Aikido, nhưng ta cũng có thể áp dụng chúng vào trong kinh doanh hay thương mại. Nếu những người điều hành công ty áp dụng 5 nguyên lý này cho các nhân viên thì họ sẽ làm việc vui vẻ và hăng say. Các bậc cha mẹ và giáo viên cũng có thể áp dụng tương tự. Mục tiêu căn bản của Aikido là rèn luyện và phát triển Ki, và cuộc thi Taigi trao cơ hội để người tham gia kiểm tra và thể hiện điều đó ở cấp độ cao.
Thầy có phát triển một phương pháp dùng Ki chữa bệnh gọi là liệu pháp Kiatsu. Vậy Kiatsu có điểm gì khác so với bấm huyệt và các hình thức xoa bóp trị bệnh trong Đông y?
Điều khác biệt lớn nhất là liệu rằng liệu pháp đó có dựa trên các nguyên lý về Ki hay không. Nếu ta cứ liên tục làm trái với các nguyên lý của tự nhiên, kết cục là ta sẽ bị mệt hoặc đau ốm. Điều mà mọi người hay lầm tưởng nhất là họ cho rằng các bác sỹ trị liệu là người chữa khỏi căn bệnh. Thậm chí ngay cả các bác sỹ cũng quên mất rằng sinh khí trong mỗi người mới là thứ chữa khỏi bệnh. Chính là nhờ vào sinh khí của bản thân của từng bệnh nhân đã giúp đẩy lùi bệnh tật, và tất cả những gì bác sỹ trị liệu làm chỉ là kích thích cho Ki (sinh khí) này lưu chuyển, là thứ thực sự giúp bệnh nhân lành bệnh. Một người khi bị đau yếu và cần được giúp đỡ, Kiatsu có thể giúp họ phục hồi. Tuy nhiên, ta sẽ đạt được kết quả lâu dài nếu ta biết tự bảo vệ sức khỏe của cả tinh thần và thể chất. Một phần lớn các bệnh tật có nguyên nhân từ stress hoặc bị stress làm cho nặng hơn. Điều tốt nhất ta có thể làm để bảo vệ sức khỏe là học cách thư giãn và phát triển Ki cho thật vững mạnh.
NHỮNG QUAN NIỆM VỀ KI
KI là đặc trưng riêng và là nền tảng của Ki Society. Vậy ta làm thế nào để giải thích cho một đứa trẻ hiểu về Ki?
Ki là một từ tiếng Nhật dùng để chỉ năng lượng tự nhiên của vũ trụ. Chúng ta có thể cảm nhận được Ki rõ hơn khi xem Ki như là sinh khí, là thứ giúp chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc. Trong tiếng Nhật, “ikiteiru” nghĩa là sống, “iki o shiteiru” nghĩa là thở, 2 chữ tuy có cách viết khác nhau, nhưng trong phát âm đều có chứa 1 âm thanh giống nhau là Ki. Hồi xưa, tiếng Nhật không có hệ thống chữ viết, nên người Nhật mang hệ thống chữ của Trung Quốc vào áp dụng cho tiếng Nhật. Chữ viết được dùng cho Ki là của Trung Quốc, nhưng gốc gác từ Ki đã tồn tại trong tiếng Nhật từ trước khi có ký tự tiếng Trung biểu thị cho nó. Khi tôi tới Hawaii năm 1953, tôi có hỏi các môn sinh của tôi xem liệu có từ tiếng Anh nào có nghĩa tương dương với từ Ki không. Họ đã tìm trong khắp từ điển và không tìm thấy từ nào như thế cả, do đó họ bắt đầu dùng từ Ki của tiếng Nhật, và bây giờ thì ai cũng dùng nó. Trẻ con có thể theo bản năng mà nhận thức được khái niệm này. Chính người lớn mới là những người muốn dùng từ ngữ để định nghĩa nó.
Bằng cách nào mà việc tập luyện Ki-Aikido giúp bảo vệ sức khỏe và tăng cường thể chất, thưa thầy?
Chúng ta nói về Ki như là năng lượng tự do luân chuyển giữa cơ thể ta và vũ trụ. Một người khỏe mạnh được gọi là “genki”, tức là tràn đầy Ki. Nếu cơ thể bị stress và trở nên căng cứng, quá trình lưu chuyển Ki bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Aikido là phương thức tập luyện giúp cân bằng toàn bộ cơ thể, do đó sẽ giúp ta trẻ trung và mạnh khỏe, và đây cũng là cách thức rất tốt để phát triển Ki mạnh mẽ hơn.
Điều gì về Ki khiến mọi người hay hiểu nhầm nhất, thưa thầy?
Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng Ki là cái gì đó kỳ ảo hay dị thường. Thực tế, Ki cũng tự nhiên như không khí và nước. Có người nói rằng họ có thể “dùng Ki” để đẩy ngã người khác mà không cần phải chạm vào, nhưng hầu như họ chỉ có thể áp dụng với học trò riêng của họ mà thôi. Tôi thì chỉ dạy mọi người làm mọi thứ một cách tự nhiên, chứ tôi không dạy gì khác cả. Khi tôi dạy, tôi có thị phạm cho mọi người xem, ví dụ như giữ cơ thể không bị nhấc bổng lên khi bị vài người to khỏe nhấc, hay giữ được tư thế cân bằng khiến không ai đẩy ngã nổi. Có nhiều người coi đó là những gì phi thường. Thật ra, những chuyện đó chẳng có gì dị thường cả, học trò của tôi ai cũng làm được như vậy cả. Những gì tôi thị phạm không cần phải có trợ lý để thực hiện. Đó là lý do vì sao tôi luôn cho gọi ngẫu nhiên những khán giả đến xem lên cùng thị phạm cùng tôi. Những ai chỉ nhìn những màn biểu diễn ấy mà không hiểu nguyên lý bên trong có thể sẽ gọi đó là siêu nhiên, phi thường, chứ bản thân tôi không bao giờ nói như vậy.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng khi có ai dùng lực tác động lên cơ thể ta, thì chẳng có cách nào khác, ta buộc phải bị di chuyển theo lực tác động hoặc phải tiếp nhận hoàn toàn lực ấy. Nhưng trên thực tế, nếu ta thư giãn được và giữ mình ở trạng thái hợp nhất Tâm-Thân thì ta có thể khá dễ dàng chuyển hướng lực ấy về Nhất-điểm và giữ được tư thế vững chắc như một tảng đá, ngay cả khi bị nhiều người to khỏe cố đẩy ngã. Khi phải tiếp nhận sức ép tinh thần thì cũng tương tự như vậy. Nhiều người cứ hay có tâm trạng chán nản, mỏi mệt, và rồi cơ thể họ trở nên mệt mỏi thật sự. Đây là điều hết sức hiển nhiên, vì tình trạng cơ thể phản ánh trạng thái tinh thần. Đây là lý do vì sao tôi không cho phép các môn sinh hay các con của tôi dùng những từ ngữ tiêu cực. Nghĩ tiêu cực sẽ chỉ mang điều xấu. Thanh niên ngày nay hay có thói dùng đủ mọi lý do lý chấu, đại loại như “ừ, điều đó đúng, nhưng tôi không thể…” Làm sao ta có thể nói rằng mình không thể khi chưa bắt tay vào làm? Nếu việc ta phải làm không phải việc dễ, thì điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp để thực hiện, chứ không phải là từ bỏ việc đó. Tại sao cứ nghĩ mình thiếu năng lực để làm gì? Rất nhiều người đã bỏ cuộc ngay khi họ gặp phải trở ngại đầu tiên.
Thầy có nói rằng vạn vật đều cấu thành bởi Ki, và rằng khi Ki tự do luân chuyển thì ta sẽ khỏe mạnh. Vậy với cách hiểu như vậy thì các đồ vật và những vật ta sở hữu cũng có Ki chứ?
Đương nhiên là Ki lưu chuyển trong mọi thứ. Đây là lý do vì sao ta phải chăm sóc đồ đạc của mình. Hiểu Ki theo nghĩa này có nghĩa là vạn vật đều có cuộc sống của nó, chứ không phải chỉ có riêng động vật hay thực vật mới có. Vạn vật đều có đời sống riêng và cách mà ta đối xử với các đồ vật sẽ gây ảnh hưởng lên bản thân chúng. Ta thường hay phung phí quá mức, ta nên chăm sóc kỹ hơn những thứ ta sở hữu. Trước khi vứt đồ đạc đi, ta nên tìm cách sửa chữa, tái chế, tái sử dụng để có thể dùng được lâu hơn. Nguyên tắc cơ bản của võ thuật là phải học cách đối xử trân trọng với người và vật.
Bí quyết để có được một tiếng hô Kiai là gì thưa thầy?
Kiai là một từ mà những người luyện võ sáng chế ra, dùng khi hô to một tiếng để giúp tập trung tinh thần, được sử dụng đồng thời khi thi triển một kỹ thuật nào đó. Ý nghĩa thực sự của Kiai là để khuếch trương Ki tích cực vào mọi thứ mà ta đang làm. Khi thực hiện Kiai, không cần phải hô thành tiếng, mà ta phải có suy nghĩ tích cực và lưu tâm vào hành động của mình. Ngay cả khi có ai đó đe dọa tấn công ta, nếu ta khuếch trương Ki mạnh mẽ, thì qua đó cũng đã phát đi một thông điệp ngầm rằng không có cơ hội cho những kẻ đó tấn công mình. Khi các bậc cha mẹ luôn suy nghĩ tìm cách giúp cho con cái tiến bộ, đây cũng chính là Kiai. Khi bọn trẻ cư xử không đúng mực, cha mẹ cần phải xem lại bản thân. Thông thường điều này có nghĩa là bọn trẻ cần được chăm sóc cẩn thận hơn, tức là cần thêm Kiai.
Thầy có nói rằng thầy có thói quen mỉm cười mỗi khi đối mặt với các khó khăn. Thầy có thể lật ngược tình thế khi đối mặt với đối phương do có được cái nhìn tích cực về những cơ hội có thể đạt được, thay vì là cái nhìn tiêu cực khiến cho năng lực bị giới hạn. Cách thầy nhìn nhận mọi việc đều trái ngược với những người bình thường. Thầy đã bằng cách nào phát triển lối suy nghĩ này, thưa thầy?
Chúng ta sinh ra trong một thế giới tương đối, thế giới của những mặt đối lập. Ta nhìn nhận mọi thứ theo đen và trắng, và rồi ta quên đi các độ xám trung gian nằm ở giữa. Mối liên hệ giữa các vật với nhau không phải lúc nào cũng hiển hiện. Ta sống trên quả đất và hàng ngày ta thấy mặt trời đi qua trên đầu mình, do đó trước kia ai cũng nghĩ quả đất đứng yên và mặt trời xoay quanh quả đất, nhưng ngược lại với những gì mà mọi người thấy, Galileo lại nói rằng trái đất di chuyển quanh mặt trời, và ông đã đúng. Ta hay nhìn nhận mọi việc theo kiểu: ta cảm thấy hạnh phúc, tốt đẹp khi mọi việc vừa ý ta và trở nên buồn bã, chán nản khi mọi thứ không được như ý. Ta sẽ có cái nhìn khác nếu ta luôn nhớ rằng ở sâu bên trong, tất cả mọi thứ đều liên quan tới Ki, và khi có gì đó thay đổi không còn như cũ thì ta cũng chẳng cần phải buồn phiền làm gì.
HỌC ĐỂ BIẾT CÁCH HỌC TẬP
Aikido cần nhiều năm để thành thục. Mọi người hay băn khoăn tự hỏi rằng cần phải mất bao lâu để có thể dùng Aikido “tự vệ” được. Vậy có điều gì mà các môn sinh sau khi tập trên dojo có thể đem ra áp dụng ngay lập tức trong cuộc sống không, thưa thầy?
Mục tiêu cơ bản của Aikido không phải là học các kỹ thuật, mà là học cách hòa hợp Tâm và Thân. Nếu ta không thể kiểm soát được tâm trí, thì làm sao ta kiểm soát được cơ thể mình? Nếu ta áp dụng đúng các nguyên lý về Ki, ta có thể dễ dàng học được Aikido. Lý do khiến Aikido trở nên khó học là do ta đã quên áp dụng các nguyên lý. Đồng thời ta cũng có nhiều thói xấu cần phải điều chỉnh. Tôi không dễ dàng cấp đai đen, bởi vì trước khi được thăng cấp, mọi người bắt buộc phải biết hòa hợp Tâm-Thân tới một trình độ nhất định. Qua mặt người khác thì dễ, nhưng bản thân ta luôn biết cái gì mình đã làm và chưa làm. Không có cái gọi là tội-ác-hoàn-hảo tồn tại vì ta không thể lừa dối vũ trụ được. Nhiều người nghĩ họ có thể làm trái với các quy luật tự nhiên mà chẳng phải chịu hậu quả gì, nhưng lại cũng có câu nói “Gieo nhân nào, gặt quả ấy.” Mội trong những thói xấu thời trẻ của tôi là hay rượu. Khi đó tôi còn trẻ và khỏe nên tôi tưởng tôi sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi thói quen đó, nhưng rồi thói quen rượu chè vô độ cuối cùng cũng gây tác động tới ta. Bác sỹ của tôi có nói mỗi ngày uống 1 ly rượu sẽ có ích cho sức khỏe, do đó tôi vẫn uống mỗi ngày 1 ly, nhưng nếu ta uống quá chén thì sức khỏe sẽ bị hủy hoại. Ngày nay rất nhiều người nghĩ rằng họ có thể vắt kiệt hoặc bỏ mặc thân xác của họ mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Rồi thời gian sẽ trả lời cho họ thấy.
THIẾU SỰ TÔN TRỌNG LÀ VẤN ĐỀ LỚN NHẤT ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG NGÀY NAY.
Xin thầy giải nghĩa khái niệm ma-ai, và nó có liên quan gì đến sự tôn trọng được thể hiện trong các mối quan hệ giữa mọi người với nhau?
Trong võ thuật, ma-ai là khoảng cách an toàn mà nếu ta giữ được, thì người tấn công sẽ không dễ gì dùng tay hay chân chạm tới ta được. Tôi thấy rất nhiều người thiếu cẩn trọng tự đưa mình vào trong vùng kiểm soát của người khác, như thế là tự đưa bản thân vào vị trí nguy hiểm, ngay cả cảnh sát cũng đôi khi làm vậy, mặc dù họ là những người phải hiểu điều này nhất. Nếu ta giữ một khoảng cách thích hợp, ta luôn có đủ thời gian để tránh đòn tấn công hoặc tước vũ khí của người tấn công. Nhưng nếu ta đứng gần quá thì ngay cả một đứa trẻ thò tay cào vào mặt ta, ta cũng chẳng tránh được. Trong đời sống hằng ngày, giữ ma-ai nghĩa là ta không gây tổn thương cho người khác, cả bằng lời nói và bằng hành động. Ví dụ như hiện nay ta và người hàng xóm đang hòa thuận, nhưng cứ thử bỏ hàng rào ngăn cách giữa hai nhà xem, rất có thể sẽ xảy ra ngay xung đột. Hàng rào chắc sẽ tạo ra hàng xóm tốt (good fences make good neighbors). Ma-ai có nghĩa là tôn trọng không gian và tài sản riêng của từng người. Tuy vậy, tôn trọng phải xuất phát từ tâm, nếu mà chỉ chăm chăm vào hình thức, thì ta sẽ chỉ còn lại những nghi thức trống rỗng. Các học viên phải biết tôn trọng người thầy, bằng cách tìm ra điểm mà mình có thể học hỏi nhiều nhất từ người thầy đó. Bất cứ ai cũng có những điều mà ta có thể học tập theo. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có xu hướng nhìn vào những điểm chưa tốt của người khác để chỉ trích, như thế là thiếu tôn trọng. Ngày nay mọi người nghĩ tới cái TÔI của mình trước, và không đếm xỉa gì tới những người khác. Đây là sai lầm cơ bản. Sự tôn trọng lẫn nhau là con đường đúng duy nhất.
Thầy nói rằng người Mỹ rất biết cách đặt câu hỏi tìm nguyên nhân, nhưng trong khi đó lại không tập luyện theo, còn người Nhật thì tập luyện rất chăm nhưng lại ít khi đặt nghi vấn để tìm hiểu vấn đề. Làm thế nào để ta có thể cùng có được cả hai ?
Gần đây tôi không ở Mỹ nhiều nên tôi không rõ tinh hình ở đó có gì thay đổi không, nhưng ở Nhật thì tình hình chắc chắn là tệ hơn so với ngày xưa. Họ vẫn không đặt câu hỏi để tìm hiểu vấn đề, nhưng bây giờ họ cũng chẳng tập luyện chăm chỉ nữa. Ngày xưa người Nhật làm việc rất cần cù, còn lớp người Nhật ngày nay đã trở nên lười nhác đi nhiều. Họ trông chờ mọi việc được sắp sẵn cho họ. Nhiều năm trước đã từng có một quyển sách so sánh người Nhật và người Do-thái, bởi vì khi ấy họ làm việc mới chăm chỉ làm sao, và bởi những thành công vang dội trên thương trường. Khi ở châu Âu, tôi có được nghe nói về một nhóm người hay bị ghét. Anh có biết là ai không? Là người Nhật! Chẳng ngạc nhiên khi ta nghe các chính trị gia của ta phát biểu, cứ như thể họ đang làm việc vì bản thân họ chứ không phải cho những người dân mà họ đang đại diện.
Ngày nay có rất nhiều thứ ta không thể hiểu được hoặc không thể vận hành được nếu thiếu các chỉ dẫn. Tuy nhiên rất nhiều thanh niên Nhật bị phụ thuộc quá mức vào các hướng dẫn có sẵn và rồi họ không còn khả năng tự ra quyết định nếu không có chỉ dẫn. Thầy đã bằng cách nào dạy cho mọi người cách áp dụng các nguyên lý một cách linh hoạt, thưa thầy?
Ta chỉ nên viết các nguyên tắc cơ bản vào các chỉ dẫn. Ta không cần thiết phải giải thích quá nhiều, chỉ cần chỉ ra phương hướng rõ ràng để làm các việc. Những ai mà cứ mê mải đi giải nghĩa mọi thứ hơn là trực tiếp làm việc thì ngay cả những việc đơn giản họ cũng không thể hướng dẫn rành mạch cho người khác làm được. Tôi có nghe một câu chuyện kể về vài người ở Maui được giao nhiệm vụ đi đóng đinh vào giá đỡ để ghim một cây cột vào, giúp cho nó đứng được. Họ làm đúng theo lời chỉ dẫn miệng, nhưng vì chưa có ai làm cho họ xem, nên ngay khi họ vừa hoàn thành xong công việc thì cây cột đổ xuống. Những cây đinh họ đóng chỉ ghim vào giá đỡ chứ không xuyên qua để ghim vào cột. Điều quan trọng nhất trong tập luyện là ta phải để mọi người thực hành. Phương pháp học tập hiệu quả nhất là qua thực hành, chứ không phải qua lý thuyết viết trong sách.
VÕ THUẬT TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Cũng tương tự như các ở các nước công nghiệp tiên tiến khác, dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng. Tương lai gì đang chờ chúng ta, và điều tốt nhất ta có thể làm để chuẩn bị cho tương lai đó là gì thưa thầy?
Điều tốt nhất ta phải làm là không để bị đau ốm. Không có lợi ích nào lớn hơn việc có một sức khỏe tốt và một tinh thần minh mẫn. Đã có quá nhiều người bị lão suy khi mới ngoài 50, 60 tuổi, ngay khi họ vừa nghỉ hưu. Nguyên do là vì họ sống một cuộc sống thụ động và hay ở yên một chỗ, ít hoạt động. Trong khi đó thì ta vẫn gặp những người lớn tuổi hơn nhiều, nhưng vẫn làm việc hằng ngày, họ làm vườn hay cả các việc của cộng đồng. Chữ tiếng Trung của động từ “làm việc” (hataraku) được ghép bởi các ký tự, có nghĩa là “một người đang vận động.” Ta phải tiếp tục hoạt động không ngừng, nếu không cơ thể sẽ lão hóa. Nếu ta quá thụ động và luôn trông chờ mọi người chăm sóc mình, thì rất có thể cuối cùng ta sẽ lâm vào tình trạng bị buộc phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác. Mọi người mở tiệc ăn mừng khi ai đó vươn tới cột mốc 100 tuổi, vậy thì tại sao họ lại không bắt chước lối sống của người đó, để rồi cũng có thể sống trên 100 năm? Chính phủ đang cho xây dựng thêm các cơ sở vật chất để phục vụ cho tầng lớp cao niên. Đây là điều sai lầm. Người già nên được khuyến khích tiếp tục làm việc và làm các công tác tình nguyện để có một cuộc sống năng động. Vấn đề là mọi người không chịu làm việc nếu không được trả lương. Ai mà cần phải được trả lương cơ chứ, nếu ta biết những gì ta làm là tốt cho bản thân và cho cả xã hội? Bất cứ ai cũng có thể góp sức giúp phát triển cộng đồng. Ai cũng có đủ năng lực để làm một việc có ích nào đó. Làm việc là điều hợp tự nhiên. Thanh niên cần có kỷ luật cá nhân cao hơn nữa, nếu không họ sẽ trở nên già yếu trước cả khi tuổi già đến.
Có hai chứng bệnh đang gây ảnh hưởng xấu tới xã hội ngày nay là Hội-chứng-mệt-mỏi-kinh-niên (còn gọi Suy-nhược-thần-kinh (Chronic Fatigue Syndrome)) và Rối-loạn-tăng-động-giảm-chú-ý (Attention Deficit Disorder). Các bệnh này thường được điều trị bằng các loại dược phẩm. Liệu rằng có liệu pháp nào tốt hơn không thưa thầy?
Điều trị các chứng bệnh này bằng thuốc là một sai lầm lớn. Nó sẽ khiến các triệu chứng của bệnh bị vùi sâu bên dưới, trong khi đó bệnh vẫn ngày một nặng hơn và ta thì không còn tìm ra được căn nguyên để chữa. Nguyên nhân của mệt mỏi và giảm khả năng chú ý là do các thói quen của cơ thể hoặc các trạng thái tinh thần đi ngược lại với các quy luật tự nhiên. Cứ ép cơ thể phải làm trái tự nhiên thì đương nhiên là sẽ dẫn tới mệt mỏi. Ta không thể điều chỉnh vấn đề này bằng cách liệu pháp nhân tạo như là dùng thuốc được. Dùng thuốc chỉ khiến bệnh nặng hơn. Lý do trẻ con không tập trung được là do bố mẹ và thầy cô không biết cách dạy chúng tập trung, hoặc là do bố mẹ và thầy cô cũng không thể tự mình tập trung tinh thần được. Thiếu kỷ luật sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà nếu để càng lâu thì càng khó chữa.
Trong y học, các bác sỹ ngoài việc cho sử dụng thuốc và làm phẫu thuật, càng ngày càng có nhiều người quan tâm hơn tới việc tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. Nhưng các bác sỹ thường rất bận công tác chuyên môn, nên không có nhiều thời gian để tìm hiểu các hướng đi này, huống hồ là biết được phương pháp nào là đáng học. Làm cách nào để chúng ta thuyết phục các bác sỹ và các chuyên gia y khoa biết đến các lợi ích của Ki và Kiatsu đối với sức khỏe?
Nếu ai đó quá bận không có thời gian dành cho những việc hệ trọng, họ cần phải học cách thư giãn trước đã. Thực tế thì họ không bận như họ vẫn nghĩ. Họ chỉ khiến cho bản thân họ cảm thấy mình bận rộn, khiến cho họ nom lúc nào cũng tất bật. Tôi đã từng gặp một người như vậy, ông ta dành hẳn 20 phút chỉ để kể cho tôi nghe là ông ta bận như thế nào, và trong lúc nói ông ta hút thuốc liên tục hết điếu này đến điếu khác đầy cả một cái gạt tàn. Tôi bảo ông ta là nếu ông có nhiều thời gian hút thuốc thế thì hẳn là với các việc quan trọng hơn ông phải có đủ thời gian dành cho nó chứ. Con người ta thường hay quên mất điều gì là quan trọng. Các bác sỹ là người đi chữa bệnh cho người khác, nhưng nếu chính anh ta cũng không thể giữ được cơ thể mình khỏe mạnh, hay bị căng thẳng thần kinh tới mức mất ngủ phải dùng thuốc, thì đây chính là lúc họ phải tìm các cách tiếp cận khác để giải quyết các vấn đề về sức khỏe!
Một vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ hiện nay là kiện tụng, người ta kiện nhau vì cả những bất đồng có thật và do họ tưởng tượng ra, đây là thị trường béo bở cho các luật sư. Các võ đường cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này, còn bên bảo hiểm thì không đư ra mức bồi thường hoàn toàn các thiệt hại. Ta phải làm thế nào nếu ta bị kiện ra tòa?
Trước tiên, nếu các huấn luyện viên luôn để tâm lưu ý khi dạy võ, thì toàn bộ hoặc hầu hết các tai nạn khi tập có thể tránh được. Nếu giữa thầy và trò có mối quan hệ tốt thì họ cũng sẽ không kiện. Tôi thì vẫn luôn khuyên các huấn luyện viên của tôi phải biết Kiatsu. Nếu môn sinh bị chấn thương, và được huấn luyện viên chăm sóc đúng cách, sau đó dùng Kiatsu chữa khỏi chấn thương, thì người học viên đó sẽ chẳng bao giờ kiện tụng làm gì. Các rắc rối pháp lý thường chỉ là những biểu hiện bề mặt của những bất đồng sâu sắc hơn nhiều. Tôi có nghe kể về những người bị kiện oan, và rồi sau đó thắng kiện do ngay cả khi họ phải chịu oan trái họ vẫn giữ được lương tri trong sáng và thần thái đĩnh đạc.
Bạo lực luôn là một vấn nạn của xã hội, nhưng gần đây bạo lực đã vươn tới học đường, ta thấy nhiều vụ việc các em chưa tới 10 tuổi đã dùng súng rồi. Các bậc cha mẹ và các thầy cô có thể làm những gì để bảo vệ các em và chính bản thân họ?
Đầu tiên, ta sẽ gặp rắc rối to nếu ta để người dân dễ dàng sở hữu súng, và lại không giấu kỹ để cho bọn trẻ tìm ra được. Khi tập luyện võ thuật, lợi ích lớn nhất ta có thể mang lại cho các em là khả năng tự chủ và có kỷ luật. Không gì nguy hiểm hơn một đứa trẻ đang nóng giận. Ngay cả yakuza (mafia) Nhật cũng hiếm khi gây tổn thương cho đối phương, kể cả khi anh ta bị đe dọa, bởi vì qua các trải nhiệm cuộc sống, họ biết cân nhắc hậu quả. Trẻ con thì không cân nhắc hậu quả gì hết, nếu chúng mất kiểm soát bản thân và trở nên cáu kỉnh thì chúng có thể làm bất kỳ điều gì. Tốt hơn hết là trẻ em và phụ huynh tham gia tập luyện cùng nhau, nhờ đó mà cha mẹ và con cái có thể hiểu được việc tôn trọng lẫn nhau quan trọng như thế nào.
TỘI ÁC VÀ CÔNG LÝ
Thầy thấy các bộ phim thuộc thể loại Viễn tây và Samurai như thế nào ạ?
Tôi thích chúng vì chúng dễ hiểu, chúng thuần túy mang tính giải trí, và là một vở diễn thú vị. Trong các phim Samurai thời xưa, ta có thể biết được ngay ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Chứ không như nhiều bộ phim hiện đại ngày nay, cốt truyện thì mù mờ, kẻ xấu lại chiến thắng, và họ có thể thoát tội mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào. Lý do tôi thích xem các bộ phim về samurai cũng giống như lý do tôi thích kịch Kabuki. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ta cũng có thể biết được diễn viên có được trạng thái Tâm – Thân hợp nhất hay không, và nếu anh ta ở trong trạng thái đó thì xem rất thích. Nếu diễn viên không có trạng thái này, thì tôi chuyển kênh ngay. Trước đây tôi thường xem các bộ phim Viễn Tây, nhưng giờ thì tôi không xem nữa. Các phim gần đây kịch bản không hợp lý và nhân vật không có sức thuyết phục. Kẻ xấu bị dồn ép vào ngõ cụt, rồi lại đột nhiên thoát được mà chẳng tốn hơi sức. Nhân vật chính dành được thiện cảm do có vẻ ngoài ưa nhìn!
Thầy đã dạy Ki-Aikido cho cảnh sát, cho nhân viên FBI, và cho cả các nhân viên mật vụ nữa. Thầy đã dạy họ những cách gì để khống chế một nghi phạm nguy hiểm, hay một kẻ nghiện ngập đang say thuốc và mất kiểm soát, hoặc khiến cho nhưng kẻ đó hạ hỏa và bình tĩnh lại, thưa thầy?
Nếu một người trở nên hung hãn, hoặc đang say thuốc và mất kiểm soát, điều duy nhất ta phải làm là dùng sức mạnh bắt giữ đối tượng. Các đối tượng đó đang mất lý trí, cho nên có nói lý lẽ phải trái với họ thì cũng không ích gì cả. Nếu những kẻ đó lại còn đe dọa sự an toàn của người khác thì họ cần phải bị khống chế, và chỉ khi nào họ tỉnh táo lại thì ta mới giải quyết với họ được.
ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN.
Trong các kiệt tác hội họa về chân dung, tiêu biểu như bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci, đôi mắt của nhân vật dường như luôn dõi theo ta khi ta di chuyển xung quanh căn phòng. Tôi cũng nhận thấy điều tương tự với bức ảnh chân dung thầy treo tại đạo đường. Làm cách nào mà thầy có được cho mình một trường nhìn bao quát đến như vậy?
Điều này cũng tự nhiên thôi, vì mắt ta phản ánh những gì ta nhìn. Khi ta nhìn chằm chằm vào một cái gì đó, các cơ mặt ta trở nên căng cứng và trường nhìn bị thu hẹp. Một ánh mắt nhẹ nhàng, hiền hòa thì sẽ tiếp nhận tất cả mọi thứ mà nó lướt qua. Điều này chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ là kết quả của việc nhìn với tinh thần thư giãn. Trong thể thao, người ta thường bảo phải “dán mắt vào trái bóng”, tôi cho như thế là không đúng. Làm như thế sẽ dễ bị trượt bóng. Khi ta thư giãn, mắt ta sẽ nhìn được rộng hơn, và cơ thể sẽ theo đó mà hành động.
Thầy có đề cập đến tầm quan trọng của việc đọc nhanh, đọc lướt để phát triển sự linh hoạt của trí não. Xin thầy giải thích cách luyện tập này ạ.
Đây là một kỹ năng rất hữu dụng, ta cần phải được rèn luyện ngay khi còn đi học. Vấn đề của thời nay là có xuất hiện quá nhiều sách, nhiều hơn bao giờ hết, nhưng những sách có giá trị thì lại chẳng có mấy. Nếu quyển sách nào ta cũng đọc từng chữ từ đầu đến cuối thì sẽ lãng phí thời gian vô cùng. Đọc nhanh, hay để mắt thư giãn lướt qua toàn bộ trang sách để nắm nội dung chính. Nếu ta thấy nó thực sự đáng đọc, ta sẽ quay lại đọc nó sau để lấy thông tin mình cần.
Có cách nào để giúp một người cai thuốc lá hay giảm cân không ạ?
Tôi hay dạy một phương pháp mà tôi học được từ thầy Tempu Nakamura. Phương pháp này tôi đã có hướng dẫn chi tiết trong cuốn Khí trong Đời Sống Hàng Ngày (Ki in Daily Life). Đại ý của nó là dùng một tấm gương, lập thệ để khẳng định quyết tâm của mình trước khi ta lên giường đi ngủ. Khi làm vậy, điều ta mong muốn sẽ đi sâu vào trong tiềm thức, nó sẽ có tác động kể cả trong lúc ta ngủ cũng như lúc ta thức. Nhờ đó ta sẽ có thể bỏ được thói xấu, và thiết lập những thói quen có ích. Rất nhiều người đã dùng cách tự ra lệnh cho bản thân, nhưng họ không thành công vì họ đã dùng kiểu nói “tôi muốn…” và họ cũng không thực sự tin vào điều họ nói. Ta nên nhìn vào gương mặt ta trong gương, rồi ra lệnh cho bản thân mình giống như mình đang ra lệnh cho người khác vậy, ta nên nói “anh muốn…” Để thành công được, ta cũng cần phải kiên nhẫn, không nên bỏ cuộc chỉ sau 1, 2 lần thử. Để xóa bỏ một thói quen đã tồn tại nhiều năm thì ta cần phải có đủ thời gian. Ta nên làm như vậy hàng ngày, và sau khi đã lập thệ xong ta nên đi ngủ ngay để đầu óc tránh bị những thứ khác làm cho xao nhãng. Hãy nói với bản thân mình ở trong gương : “Anh rất ghét thuốc lá!” Rất nhanh chóng thôi, ta sẽ thấy cứ mỗi khi ta với lấy bao thuốc thì điều ta nói lại hiện lên, và rồi sẽ đến lúc ta thấy chán thuốc thật. Điều quan trọng phải nhớ là ta chỉ nên bỏ từng thói xấu một. Để bỏ một thói xấu đã tồn tại nhiều năm sẽ mất khoảng 6 tháng, nhưng thường là ít hơn. Không phải ai cũng có đủ dũng khí để dễ dàng từ bỏ những gì mình thích. Nhưng dần dần ta sẽ có được sự tự chủ cao hơn, ta có thể bỏ được các thói xấu nhanh hơn, thậm chí về sau khi ta muốn là bỏ được ngay lập tức. Nếu ta có ý chí và lòng quyết tâm, thì các cám dỗ không dễ gì mà dẫn dắt ta được. Tôi đã từng có nhiều năm hút thuốc lá, rồi đến khi tôi quyết định cai thuốc, tôi đã tự thuyết phục bản thân là tôi chẳng thích thú gì việc hút thuốc cả, sau đó thì tôi đã bỏ thuốc dễ dàng. Cách làm này cũng áp dụng để bỏ các thói xấu khác.
VÕ ĐẠO VÀ CÁC MÔN NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN
Thầy đã từng so sánh Budo với nghĩa là Võ Đạo với Budo với nghĩa là Vũ đạo. Giữa Võ thuật và khiêu vũ có điểm gì chung? Tại sao lại có những người mà chụp ở góc nào họ cũng ăn ảnh?
Ở Nhật Bản xưa kia, múa và võ thuật được coi như một thứ. Chữ viết cho 2 môn này thì khác nhau, nhưng cách phát âm thì như nhau, cùng là budo. Một vũ công hay diễn viên lão luyện sẽ khiến khán phòng tràn ngập Ki. Anh ta không nhìn vào khán giả, bởi vì khi đó anh ta đang toàn tâm toàn ý với vai diễn. Khi hoàn toàn nhập tâm hóa thân vào nhân vật, anh ta đã quên đi con người thật của mình mà đã trở thành nhân vật, do đó khán giả bị thu hút và cuốn theo phần trình diễn đó mà quên đi là đang xem diễn kịch. Ta chỉ làm được như vậy khi Tâm và Thân hợp nhất. Khi ta khuyếch trương Ki thì ta sẽ trở nên ăn ảnh ở mọi góc chụp. Điều này là hệ quả về mặt hình ảnh của việc không có sơ hở để bị tấn công.
Thể thao và Võ thuật khác nhau ở đâu?
Tôn Tử, người viết cuốn Binh pháp, có bàn về 3 cách chiến thắng. Hạ sách là thắng bằng chiến tranh, còn thượng sách là thắng mà không cần gây chiến. Có rất nhiều môn thể thao đã chọn cách chiến đấu để tranh thắng bại. Họ có đề cập tới tinh thần thể thao nhưng chỉ là nói miệng, sâu bên trong họ lại tin rằng giành thắng lợi quan trọng hơn cách thi đấu. Có một số môn võ có lối luyện tập giống như thể thao nhưng lại không có tinh thần thể thao. Thượng sách là thắng mà không gây chiến. Ý nghĩa thực sự của Võ là “để hạ ngọn giáo”, để chiến thắng dễ dàng, không tranh giành hơn thua. Giống như tôi đã giải thích ở trên, đây cũng là mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức cuộc thi Taigi, và cách thức chiến thắng này cũng áp dụng vào đời thường được. Chúng ta cần phải nhắm tới những nguyên lý cốt lõi, chứ không phải chỉ rèn luyện những cái bên ngoài.
Có cần thiết phải có đẳng cấp cao trong Aikido thì mới có thể áp dụng Ki vào các lĩnh vực khác như âm nhạc, các môn nghệ thuật trình diễn, hay trong kinh doanh không, thưa thầy? Và ta phải tập luyện thế nào để có thể vẫn biểu diễn tốt cho dù có phải chịu áp lực đè nặng đi chăng nữa?
Việc hợp nhất Tâm và Thân có tác dụng trong các môn ca, vũ, kịch, và cả trong các môn nghệ thuật trình diễn khác nữa. Người ta thường gặp khó khăn khi biểu diễn là vì họ tập luyện cẩu thả nhưng khi diễn thì lại muốn diễn tốt. Tôi có lần được gặp bậc thầy về thổi sáo truyền thống Nhật Bản, ông Hyakunosuke Fukuhara. Ông ấy có nhờ tôi hướng dẫn cho ông cách hợp nhất Tâm Thân khi trình diễn. Tôi bảo ông ta thử cầm sáo và giả vờ như mình đang biểu diễn, rồi tôi bất ngờ kiểm tra, và ông ý bị ngã ngay xuống. Ông ấy xin được thử một lần nữa, lần này tinh thần ông ấy thực sự ở vào trạng thái giống như đang diễn trên sân khấu, mặc dù tay ông ta không cầm cây sáo nào cả. Lần này ông ấy đã thành công, và có tư thế vững chãi như một cái cây vậy. Ông ta đã biết hòa hợp Tâm Thân rồi, nhưng chỉ có thể thực hiện được điều đó khi ông ta tập luyện hoặc biểu diễn thôi. Một người tầm cỡ bậc thầy thì lúc nào cũng có thể giữ trạng thái hợp nhất. Phần biểu diễn của ta trên sân khấu phản ánh cách ta tập luyện hằng ngày. Đây là lý do vì sao tôi bắt các môn sinh của tôi phải coi kiếm gỗ như là kiếm thật, có lưỡi sắc. Nếu ta tập luyện như thế này thì ngay cả khi gặp phải đối thủ dùng kiếm thật, ta cũng có thể đối mặt với với thanh kiếm một cách điềm tĩnh, giống như với kiếm gỗ.
RÀO CẢN VÀ CƠ HỘI ĐỂ HỌC KI
Có nhiều người muốn tới Nhật đển học Ki-Aikido hoặc Kiatsu tại tổng đàn nhưng họ không thể gác lại sự nghiệp trong 2 năm liền để qua Nhật học. Hơn nữa chi phí và ngôn ngữ cũng là rào cản lớn. Có cách nào khác cho họ không nếu như ở gần chỗ họ sống không có đạo đường nào cả?
Có rất nhiều đạo đường của Ki Society trên khắp thế giới. Chúng tôi cũng đang phát triển một khóa học tại gia học qua video, để cho mọi người học tại nhà một mình hoặc theo nhóm. Sau đó họ chỉ cần qua tổng đàn một năm 2 lần, mỗi lần 4 ngày để kiểm tra xem họ tiến bộ đến đâu. Mặc dù học kiểu này sẽ tốn thời gian hơn là đến tổng đàn học một khóa dài hạn, nhưng chúng tôi lại thấy rằng với một học viên nghiêm túc, thời gian tập luyện không phải là yếu tố quyết định sự tiến bộ. Ngay cả trước khi có khóa học qua băng hình, tôi vẫn nhớ có 1 nhóm 5 học viên tự tập hợp nhau lại và sử dụng các chỉ dẫn trong sách của tôi để tập luyện. Họ tập theo lượt, một người đọc to các bước để thực hiện đòn thế, 4 người còn lại chia làm 2 cặp tập với nhau. Khi tôi xem họ đánh, tôi thấy rất ngạc nhiên vì dù không có thầy hướng dẫn, họ vẫn làm rất tốt. Điều quan trọng nhất là phải có khát khao học hỏi, có một nguồn tư liệu tốt, và có cơ hội gặp được những người đi trước để nhờ kiểm tra trình độ định kỳ. Ngay cả khi không có những điều kiện học tập lý tưởng, ta vẫn đạt được tiến bộ nhiều hơn những người mà ở trong môi trường thuận lợi nhưng lại thiếu tinh thần học hỏi.
Ở các nước phương Tây có nhiều người từ chối tập Aikido và các môn võ khác vì họ cho rằng tập võ có thể đi ngược lại các điều răn của tôn giáo mà họ theo. Aikido có ảnh hưởng từ đạo Shinto và đạo Phật. Có cần thiết phải theo các tôn giáo này thì mới tập được Aikido không?
Cúi chào là phong tục Á Đông. Nó có nghĩa là để thể hiện sự tôn trọng. Chúng ta không phải đang cúng bái một cá nhân hay một tôn giáo nào. Chúng tôi cúi chào chữ Ki treo ở trông đạo đường chỉ đơn giản là để tỏ lòng tôn kính tới vũ trụ. Chúng ta sau đó chào người hướng dẫn và chào lẫn nhau cũng vì cùng lý do đó. Biểu tượng mà ta cúi chào không quan trọng. Ta vẫn chào cờ để tỏ lòng biết ơn tới Chúa, Trời và đất nước, và tới đồng bào ta. Đó không phải là nghi thức riêng biệt, chỉ chuyên dùng cho cái này và không dùng cho những cái khác. Điều quan trọng là ta thể hiện lòng tôn kính tới vũ trụ và lòng hiếu sinh của Trời Đất.
KẾT NỐI CÁC THẾ HỆ
Thầy đã chuẩn bị để con thầy kế nghiệp thầy, có những điểm tương đồng và khác biệt nào mà cậu ấy sẽ phải gặp so với những gì thầy đã gặp khi bằng tuổi cậu ta?
Con tôi, Shinichi, có lợi thế là cậu ta có thể khởi nghiệp với một di sản do tôi để lại. Không phải tìm kiếm từ đầu, hoặc nối ghép các kiến thức từ nhiều người. Một điểm khác biệt nữa là khi tôi bằng tuổi cậu ta bây giờ, nước Nhật đang có chiến tranh. Cái gì ta cũng phải tự xoay sở. Cái gì ta đạt được cũng phải do nỗ lực bản thân, kể cả việc tập luyện. Mặt khác, do chẳng có gì được lý giải rõ ràng, nên có thể có rất nhiều phong tục truyền thống khiến ta lạc lối.
Thời của con tôi thì cái gì cũng được truyền lại, mà chẳng tốn công sức. Tuy vậy, nếu con tôi có động lực giống như tôi ngày xưa, sẽ chỉ cần 5 năm là có thể đạt được những thành tựu mà tôi phải mất 20 năm mới có, đơn giản là vì phương pháp giảng dạy và tập luyện đã được chau chuốt hơn nhiều. Không cần thiết phải thử đi thử lại quá nhiều lần để rút kinh nghiệm, nên cũng khó có thể bị lầm đường lạc lối.
WAKA SENSEI
Waka Sensei, điều gì mà thầy cho là thử thách lớn nhất khi phải kế nghiệp cha?
Tôi nghĩ thử thách lớn nhất là tạo ra cho mọi người động lực để tập luyện, vì thế hệ của tôi mọi thứ đều có sẵn. Con đường đã được vạch sẵn, nhưng vì chúng tôi không phải là kẻ bỏ công vạch ra đường lối nên chúng tôi thiếu động lực để đi hết con đường. Thế hệ của tôi là thế hệ sẽ lãnh đạo nước Nhật trong nửa đầu thế kỷ 21. Tới giờ này, chúng tôi đã trở nên lười nhác và phụ thuộc vào máy móc và thiết bị điện tử. Chúng tôi có nhiều lựa chọn, nhưng lại thiếu sự tập trung. Cũng giống cha tôi, tôi phải tìm cách để mọi người thấy hứng thú tập luyện, để hướng dẫn họ về Tâm Thân hợp nhất và giúp họ đối mặt với các thử thách ở phía trước. Chúng tôi có một câu danh ngôn, “Fueki Ryuko,’ có nghĩa là cuộc sống không thay đổi về cốt lõi, nhưng ở bề mặt thì luôn biến đổi. Ta phải làm sao để ta giải quyết vấn đề này, để vẫn gìn giữ được các chân lý trong khi thế giới vẫn luôn đổi thay, đây cũng là thử thách mà chúng tôi phải giải quyết trong công tác giảng dạy. Do Ki-Aikido dùng văn hóa Nhật làm nền móng, cho nên Ki-Aikido cho chúng tôi cơ hội để lại 1 lần nữa khám phá tầm quan trọng của các giá trị truyền thống mà đang ngày càng mai một dần, để lưu giữ lại những gì có giá trị, đáng để gìn giữ.
Thầy nói rằng có rất nhiều từ ngữ và khái niệm từ thời xưa, nhưng nay giới trẻ không hiểu gì nữa. Ngôn ngữ và các giá trị đã thay đổi, vậy làm sau để kết nối các thế hệ với nhau?
Cha tôi sinh ra tại Nhật vào năm 1920. Đó là một xã hội khác hẳn ngày nay, rất nhiều từ ngữ và lối nói được các thế hệ trước thế chiến sử dụng, thì nay đã không còn truyền dạy và có ý nghĩa nữa. Ngôn ngữ của chúng tôi đã thay đổi. Rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ chưa từng biết về ý nghĩa của các chữ Hán cổ, và do đó đôi lúc khi hướng dẫn họ, tôi có gặp chút khó khăn. Vì lý do này, tôi đang cùng với cha tôi tìm các cách thức truyền đạt mới, dùng các từ ngữ và các ví dụ mà thế hệ trẻ hiểu được, nhưng vẫn trung thành với các chân lý cơ bản.
Máy tính điện tử đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong thế giới võ thuật vì 2 lý do: khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng và khả năng tương tác qua Internet; nhưng đồng thời cũng tạo nên những thứ được gọi là techno-stress [chỉ sự căng thẳng (stress) do phải sống và làm việc trong một môi trường công nghệ cao mà mình không thích nghi nổi], do đó cần phải có phương pháp giúp cân bằng tinh thần và cơ thể. Thầy hy vọng trang web của Hội sẽ giúp được gì cho những người yêu võ thuật?
Các thiết bị điện tử đã giúp cuộc sống của chúng ta thêm phần tiện nghi, nhưng đồng thời nó cũng khiến chúng ta cứ bị ngồi im một chỗ và trở nên phụ thuộc vào các tiện nghi đó. Ki-Aikido có thể giúp ta lấy lại cân bằng của tinh thần và cơ thể, giúp ta có thể sung sức và khỏe mạnh suốt đời. Ta có thể ngay lập tức qua Internet giao tiếp với mọi người trên thế giới. Đây là lợi thế, và chúng tôi mong là nhờ đó mà các lợi ích của Ki-Aikido có thể đến được với mọi người, ngay cả những người chưa từng biết đến Ki. Hội Ki Society vẫn đang phát triển các nội dung trên website tiếng Anh của Hội, và theo như các thông tin bổ sung trong các sách của thầy Tohei, rất nhiều các dojo thành viên của Hội có website riêng bằng tiếng Anh và có rất nhiều thông tin bổ ích.
(Hết)
Dịch: Vũ Hồng Thao Sensei
Nguồn: Toitsu.De