» Bài viết của cố Võ sư Lục Viễn Khai

Bài viết của cố Võ sư Lục Viễn Khai

Vĩnh Xuân Tháng Năm 23, 2021
Bài viết Vĩnh Xuân Lục Viễn Khai

cố Võ sư Lục Viễn Khai (1924-1981)

(Đăng trên báo Quan Hoa ngày 24/10/1973)

Cái chết của Lý Tiểu Long người Trung Quốc – Quốc tịch Mỹ – một ngôi sao sáng đóng phim về võ hiệp đã làm chấn động giới võ thuật và điện ảnh toàn Thế giới vì trí thông minh và thiên tài võ thuật của Lý đã khiến người ta bái phục. Cái chết này giống như một quả tinh cầu hào quang sán lạn đột nhiên nổ tung trong không gian người ta thấy một luồng sáng dữ dội bùng lên trong chớp nhoáng rồi lập tức theo tiếng nổ tiêu tan đi, nhưng ấn tượng huy hoàng vẫn còn vĩnh viễn lưu lại trong thế gian, nhất là trong giới điện ảnh và võ thuật vì hai giới này đã mất một vị anh tài mà mọi người đều luyến tiếc.

Bài viết Vĩnh Xuân Lục Viễn Khai

Lý Tiểu Long thi triển Võ công trên dụng cụ tập Đặc trưng phái Vĩnh Xuân – Mộc Nhân

Qua việc thu lượm được ở sách báo Hương Cảng, Lý Tiểu Long lúc bắt đầu học võ là học phái Vĩnh Xuân. Rồi sau có học nhiều các môn phái võ học khác, cho nên mới đạt đến trình độ tinh thâm như vậy và mới nổi tiếng trên thế giới là một võ sư đại tài. Ở đây không bàn đến tài hoa trời phú cho tinh thần học hỏi không ngừng của Lý, nhưng phải nói rằng thành tựu đạt được của Lý Tiểu Long đã để lại trong giới võ thuật Trung quốc một trang sử huy hoàng.

Về tác giả

Ngoài việc nhỏ lệ đồng tình thương người đã khuất, tiện bút viết bàn về quyền nghệ, kiếm pháp và Lục điểm bán côn của phái Vĩnh Xuân để các bạn ở Hương Cảng cách xa Việt Nam hiểu thêm về quyền thuật của phái Vĩnh Xuân mà ít người biết tới. Có biết đâu ở Việt Nam nhiều nhà chính khách cũng là những đồ đệ của phái này. Ở miền bắc Việt Nam phái này lưu truyền từ lâu. Còn tại miền Nam, mới có độ hơn mười năm do tôn sư Nguyễn Tế Công di tản đem vào, nhưng ít người được chân truyền. Tác giả học được là do tôn sư truyền lại trong thời gian di tản vào Nam. Nhưng tôn sư vào được ít năm thì mất, hưởng thọ 84 tuổi, cho nên thời gian học thì ngắn, kỹ thuật tiếp thu được còn thô thiển. Nhưng cũng may là ân sư trong lúc còn sống giảng dạy không tiếc sức cho nên cũng tiếp thu được không ít các điều hay lạ. Tác giả (Lục Viễn Khai) trong năm 1966 đã từng giới thiệu tóm tắt trong 8 kỳ ở báo tiếng Hoa Viễn đông nhật báo về quyền thuật phái Vĩnh Xuân. Nhưng thời kỳ đó chưa được nhiều người chú ý. Nhân dịp cái chết của Lý Tiểu Long – một môn đồ của phái Vĩnh Xuân – làm cho tác giả cảm hứng lại đem những điều hiểu biết của mình bổ xung vào những điểm đã viết trước đây. Quyền thuật của phái Vĩnh Xuân nguồn gốc của nó thuộc phái “Quyền thuật nội gia Thiếu Lâm“. Nhưng các sách nổi tiếng trong nước chỉ biết nói đến ba môn nội gia là Thái cực, Hình ý và Bát quái, không biết rằng phái Vĩnh Xuân cũng là quyền thuật nội gia của môn phái Thiếu Lâm.
Bài viết Vĩnh Xuân Lục Viễn Khai

Các đệ tử của Tôn sư Vĩnh Xuân chụp trước khi thầy vào Nam (Tế Công ngồi giữa)

Quyền pháp

Phái này lấy Tam Tinh, Ngũ Hình làm cương lĩnh, lấy Thất Đáo, Bát Môn làm phương pháp, tay nắm thành hình chữ nhật, đấm thì đấm thẳng. Các loại quyền phổ thông khác thì nắm tay hình quả trứng, khi đấm ra thì đấm vòng hai bên ngược hẳn nhau. Ngay cả thế tấn cũng khác, từ đầu đến cuối chỉ dùng thế Kiềm dương di chân trụ. Bài tập vỡ lòng lúc đầu cũng tập trên thế ‘đứng chân trụ giữ thế Kiềm dương’ thì thân thể giữ nguyên không di chuyển, hai chân bám chân bám chặt đất , đầu gối hơi khuỵu – gọi là kiềm dương – nghĩa là che hạ bộ, toàn thân hơi ngả về sau. Thế lúc đứng yên và lúc di chuyển là một, đây là phép đánh, phép lập thân, tập chân của quyền Vĩnh Xuân. Nếu đem cách này biểu diễn cho mọi người xem thì không hấp dẫn như các loại quyền khác có tính hoạt bát và mỹ quan. Quá trình tập luyện của phái này là bắt đầu bằng bài tập vỡ lòng, các phái khác cho là chẳng có gì là lạ, là hay cả. Thực vậy, bài tập vỡ lòng này không có gì là ghê gớm cả. Chẳng qua chỉ là bài tập nhập môn về cách đứng tấn và cách che bộ hạ. Đặc điểm của nó là không tập tấn riêng mà kết hợp tập tấn và tập tay đồng thời với nhau để khỏi phí thời gian. Khi đã thuần thục rồi thì tiếp tục tập ‘tiêu đả’, nghĩa là vừa tiêu đòn vừa đánh. Cách tập phải hai người cùng tập hay là phải tập với thầy. Đấy là cách tập thực chiến khi hai người tay không đánh nhau. Việc luyện tập này phải nghiêm túc. Khi ra đòn tay hoặc chân nguyên tắc là phải tập đi tập lại nhiều lần cho đến khi thành phản xạ vô điều kiện (tâm ứng thủ) mới thôi. Nghĩa là đến khi nào phát quyền phải trúng đích, tiêu quyền không hụt đòn, rồi mới tiếp tục chuyển sang hai tay chạm nhau để tập ‘Linh giác’ mà thường gọi là ‘Niêm thủ’ tức là thực chiến khi hai tay tiếp xúc nhau. Tập Linh giác phải tập đến khi nào không cần mở mắt mà vẫn biết sự biến hoá tay chân của địch và sức mạnh hay yếu. Đấy là dùng cái mềm hoá cái cứng, dùng cái cứng phá cái mềm. Hai cái này chế ngự nhau hoặc hai cái hoá giải nhau. Từ tập ‘Tiêu đả’ đến ‘Niêm thủ’ có 8 phép tập tay là:
Xuyên – đấm chọc
Thán – đỡ ngửa bàn tay (gạt rộng ra)
Tiêu – phóng tay chọc
Phục – đỡ sấp bàn tay
Kinh – lấy cùi chỏ đỡ
Bàng – gạt cổ tay
Tháp – dập đánh
Trầm – đỡ xiết bằng cổ tay

Côn pháp

Tám phép này đã nói rõ ở bài viết trước không nói thêm. Nay chỉ nói về ‘Lục điểm bán côn’, gọi là bán côn vì độ dài của côn này là do nửa độ dài của hai loại côn cộng lại hình thành. Trong chế độ cổ, dùng côn cho bộ binh thì dùng loại côn ngắn cho dễ vận dụng. Lọai này dài 4,8m (thước Trung Quốc). Loại côn này dùng cho kị binh. Độ dài của nó gấp đôi loại côn ngắn tức là 9,6m .Nếu có thêm một mũi nhọn nữa thì thành trường thương. Phép đánh côn ngắn và côn dài khác nhau. Đánh côn dài thì người sử dụng côn phải có cánh tay mạnh hơn người mới có thể gạt đâm được. Khi công kích dùng khoảng cách xa và chủ yếu là hướng về phía trước đâm giết. Còn đánh côn ngắn khi vận dụng phải linh hoạt, trên bổ dưới hất, đánh ngang phải trái cho nên chân tay phải nhanh nhẹn, lấy việc đánh dọc đánh ngang, bổ trên hất dưới làm chủ yếu. Cho nên côn dài thích hợp cho kỵ binh. Côn ngắn thích hợp cho bộ binh dùng cận chiến trên mặt phẳng. Mỗi loại đều có ưu điểm nhược điểm của nó. Cho nên ‘Lục điểm bán côn’ lấy cái ưu điểm của hai loại cộng lại, lấy chiều dài của côn dài rút đi 2,4m và thêm vào chiều dài của côn ngắn 2,4m, tức là chiều dài của ‘Lục điểm bán côn’ là 7,2m.
Phép đánh lấy côn ngắn 3 điểm:
Toả hầu (khoá hầu)
Trung bình (trung bình)
Dịch tự (rút đầu mối)
Phép đánh lấy côn dài 3 điểm:
Cái côn (côn che đầu)
Hạ khiêu (hất dưới)
Hoành đả (đánh ngang)
Cộng hai cái thành 6 điểm, cho nên vì thế gọi là ‘Lục điểm bán côn’. So với loại côn ‘Cửu long bán đảo’ của Hương Cảng cũng thế, nhưng côn của Hương Cảng có thêm nửa điểm, chứ không 9 con rồng thêm nửa con rồng.
Bài viết Vĩnh Xuân Lục Viễn Khai

Đối luyện Lục điểm bán côn phái Vĩnh Xuân

Bài ca về côn như sau:

Côn pháp tinh thông lục điểm cường
Hoành phi trung lộ nhập trùng dương
Khuyên trầm dịch tự xuyên trừu đãng
Thượng hạ phiên phi thế hiển dương
Dịch:
Côn pháp tinh thông sáu điểm cường
Phất đường giữa để đâm côn vào giữa
Xoay vòng thấp rút côn lắc lư rồi chọc
Lật, bay, trên, dưới, thế rất hùng mạnh

Kiếm pháp

Kiếm của Vĩnh Xuân thì thân nhẹ và dài. Phép tập có 6 pháp là: Khuyên – Trầm – Trật – Thích – Phất – Lắc.Bộ pháp là bước phẳng và bước leo núi nghiêng người tiến lên. Lùi và tiến hơi nhảy nhẹ nhàng, luôn giữ cho linh hoạt. Không động thì thôi, nhưng khi động thì như chim bay, cá nhảy, tìm cơ hội mà tinh luyện, kiếm cũng như quyền phải biết phối hợp cứng mềm.

Bài ca về kiếm như sau:

Bạch xà thổ tín, ngư bộ biền thu
Khuyên trầm phản thủ, tước dược chi đầu
Thanh đình điểm thuỷ, ưng lạc ngư phủ
Hoành khiên thập tự, bàn phúc xuyên trừu
Thuỳ phong xạ đấu, lôi hồn điện tẩu
Trảo tiến chảo thoái, quang nhược long du
Hùng yên viên bộ, hớt tả hớt hữu
Kiếm cập, lý cập, quán dịch yết hầu
Dịch:
Sau khi phụt đâm, nghiêng mình thu bước về
Lật tay xoay tròn như chim nhảy đầu cành
Như chuồn chuồn quệt nước, như chim sa cá nhảy
Nhảy ngang chữ thập, lại xoay đâm rồi rút
Hạ mũi xuống đâm nhanh như tên, sấm chớp
Liệu tiến liệu thoái như rồng lượn chơi
Lúc trái lúc phải, bước nhanh như vượn, lưng như gấu
Kiếm đến chân đến chọc đúng yết hầu
Khi lương sư dạy cho học kiếm thấy khó khăn hơn học quyền vì bộ pháp và thân hình có những chỗ khác nhau, giữ cho khí bên trong được đầy đủ lại càng khó.Nắm kiếm mà tiến phải luyện thế nào cho mềm dẻo như sợi mây. Cổ tay và khớp tay phải dẻo, nếu cứng dùng kiếm không linh.
Bắt đầu là học lục pháp : Khuyên – Trầm – Trật – Thích – Phất – Lắc
Sau khi tinh thông lục pháp mới thực tập biến đổi. Sau nhiều lần luyện tập mới thu được những kinh nghiệm thực tế. Khi thật thuần thục thì sinh xảo diệu. Có thầy chỉ đạo kết hợp với bản thân kiên trì tu dưỡng thì mới đạt được kết quả cao.

Đao pháp

Tập đao ở Vĩnh Xuân có song đao, đơn khiên đao và đao cán dài. Đao chẳng qua là hai tay nối dài ra mà thôi cho nên phép tập tay và thân hình cũng không khác gì quyền, duy có đơn khiên đao phải có sức đều của lưng tay để một mặt dùng khiên, một mặt dùng tay hai bên thay đổi che, đánh. Dùng khiên che đòn đánh của vũ khí địch và tiến đánh bằng đao phía bên của địch. Còn dùng đao cán dài thì hai tay nắm chặt cán đao (đao và cán ngang nhau) quay qua vai phía bên phải chém. Khi chiến đấu dùng sức toàn thân chém phía trái địch, chém đao cán dài rất khó trúng. Trúng phải thì bên trái trúng đao, trúng trái thì phải trúng, nhảy hậu sợ không kịp trừ phi có khí giới đỡ mới được. Những kiểu chém vát rất mạnh. Hai tay đỡ bi chấn động, trả đòn lại không phải dễ, cho nên phép chém chếch là phép chém chủ yếu của đao pháp. Ngoài ra như thế trung bình, thế cuốn phong, thế co bật, mỗi thế khi chiến đấu có khác, khó mà mô tả hết.
Bài viết Vĩnh Xuân Lục Viễn Khai

Bát trảm đao phái Vĩnh Xuân

Bài ca về Đao như sau:

Đoạn 1:
Song đao khởi thế, tả hữu tà phi
Liên chi khảm trúc, đao phá phúc?
Biên thân liêu trảm, quy dịa yên?
Ngọc hoàn phản – huân địch – trảm
Đoạn 2:
Đao giữ binh trường, phi xích dự
Đao phong đối chuẩn hạ tà phi
Trưu dằn đồng kích liên can sạt
Thuận thế trung bình thích hướng tâm

Ngũ hình ca quyết của Vĩnh Xuân phái

Long Hình Ca Quyết

Long thái thượng hạ khúc
Khí hùng kiêm lực túc
Lai khứ tiềm kỳ hình
Cương kiện trực thôi khô
Nhận thử mệnh long hình
Tạm dịch:
Hình rồng trên dưới uốn cong
Khí hùng thế mạnh sức thêm lạ thường
Đi, lại tiềm ẩn hành tung
Ý đồ do bạn khiến dùng trong tay
Rắn danh, đánh vỡ muôn loài
Thế nên được gọi là bài ‘Hình long’

Xà Hình Ca Quyết

Xà hình thủ pháp điêu
Thân thúc thiện triền miên
Tiết loạn khuỷu vi khúc
Biên chỉ hướng dịch tiền
Kỳ như năng trị cương
Nhân thử viết xà hình
Tạm dịch:
Hình xà nhanh nhẹn đôi tay
Loè ra, thụt lại, cuộn hoài chẳng ra
Xếp bằng năm ngón đánh qua kẻ thù
Trị ‘cương’ ắt giữ thế ‘nhu’
Hình xà nhờ vậy dẹp thù thảnh thơi

Hổ Hình Ca Quyết

Hổ hình tòng biên bộc
Cầm nà, câu, đàn, giác
Lực phát dũng như tiền
Kiên, yêu thương hạ lạc
Kỳ dũng khả khắc ngoan
Nhân thủ mệnh hổ hình
Tạm dịch:
Hổ hình rình rập bên hông
Rành đòn : đục, búng, móc, thông cầm nà
Lực thời thần tốc phát ra
Vai, hông cựa quậy thủ là dưới trên
Bởi hình bài được mang tên
Ngoan, hung muốn diệt chớ quên bài này

Báo Hình Ca Quyết

Báo hình ấn nhi hung,
Khí tế toan kì trung
Đầu, khuỷu kiêm tranh, tất
Dung hội học là xong
Cơ trí phục cường quật
Nhân thủ mệnh báo hình
Tạm dịch:
Hình beo kín đáo mà hung,
Đường đi, thế bước tập trung trong bài
Gối, đầu, gót cẳng, chỏ tay
Dung hoà ‘tịnh’ hạc, ‘nhu’ xà, ‘cương’ long
Mưu trí chứa sẵn trong lòng
Thẳng tay áp đảo cường ngông, liệt cuồng

Hạc Hình Ca Quyết

Hạc hình truỵ khuỷu tranh,
Ngưng thần động lý phiên,
Quyên, trầm, hượt, thoát, lâu,
Tiến, thối hổ liên hoàn,
Kỳ tịnh năng chế động,
Nhân thử viết hạc hình.
Tạm dịch :
Hạc hình, chỏ, gót hạ trần
Tập trung ý trí, ắt cầm chốt then
Tiến, lui trong thế đã quen
Khoanh, trầm, trượt, sút, chảy xen nhau dùng
Tịnh, yên ngự chế động hung,
Hạc hình là thế: lạ lùng nhưng hay.
Nguồn: MasterLong.Vn
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com