» Vĩnh Xuân hiệu năng của sự không sợ hãi

Vĩnh Xuân hiệu năng của sự không sợ hãi

Vĩnh Xuân Tháng năm 23, 2021

Vào một ngày đầu xuân năm 2002 khi đang lang thang trên mạng, tôi tình cờ bắt gặp một bài viết khá hay về môn Vĩnh/Vịnh Xuân của một tác giả vô danh đăng trên Vnexpress, với tựa đề “Vịnh xuân hiệu năng của sự không sợ hãi”. Xin được chia sẻ dưới đây để các bạn cùng tham khảo.

Vĩnh Xuân là môn võ dùng sự khéo léo để khống chế sức mạnh. Người tập dùng sự linh cảm nhanh nhạy của thân mình để bám dính theo từng đòn thế của đối phương rồi tìm ra sơ hở và tấn công. Đó không phải là cố theo đuổi mục tiêu khó với mà là cảm nhận linh hoạt ý đồ của đối thủ thông qua giao tiếp với thân hình của anh ta và từ đó tìm ra những sơ hở để tấn công.

Hình thức của Vĩnh Xuân nhấn mạnh vào khái niệm không thách thức. Những người cố gắng theo đuổi vẻ đe dọa bên ngoài của động tác sẽ không bao giờ phát triển được trong môn võ này. Các sư phụ Vịnh Xuân thường khuyên học trò hãy mang cái tâm sơ khởi đầy nghi kỵ bất trắc của mình ra đối mặt với đòn thế mỗi ngày. Hãy để nỗi sợ hãi tự bộc lộ và tìm hiểu nó thật kỹ. Hãy theo dõi nó tồn tại và phát triển mỗi ngày, và sau cùng hãy diệt nó đi như khi ta trừ một cây độc phải nhổ tận gốc hoặc khi giết một con rắn độc phải đánh cho giập đầu.

Xuất phát từ nhiều quan niệm khác nhau, các môn võ đều hướng tới cái đích “Cương Nhu tương tế”: có nghĩa là phải kết hợp cả Cương và Nhu. Với Vĩnh Xuân, điểm đầu tiên mà những người tập phải quán triệt là sự “xá kỷ tòng nhân” trong động tác. Khi đối luyện, người tập nương theo đòn đánh của đối thủ để khống chế đối thủ. Muốn làm được như vậy, võ sinh sẽ phải thả lỏng tinh thần và đặc biệt không được tự tạo cho mình vẻ mềm mại. Sự hơn hẳn của kỹ thuật sẽ chỉ được thể hiện qua hiệu quả thực sự của đòn đánh chứ không phải là vẻ có hiệu quả.

Người tập Vĩnh Xuân sẽ tấn công khi tìm thấy khe hở trong phòng thủ của đối phương. Có thể so sánh việc đó như là dòng nước tìm thấy khe hở trên một con đê. Nó sẽ không suy tính lợi hay hại mà tự động lao vào đó rồi len lỏi khoét rộng chỗ sơ hở và phá tung mọi thứ từ bên trong. Chuyển lực của môn không phải là từng động tác cứng nhắc như trong môn cử tạ. Những chuyển động ấy vô cùng mềm mại và liên tục để tạo ra ra sự ứng biến nhanh nhạy. Người tập phải nhập làm một với ý thức, và động tác của đối thủ nhưng không để quyền cước của anh ta khống chế. Những đòn đánh sẽ không được lên chương trình và người tập phải tùy nghi tuân theo sự diễn tiến của cuộc đấu. Điều này đòi hỏi khả năng suy nghĩ mẫn tiệp nhanh nhẹn trong khoảnh khắc để xác định việc mình định làm đồng thời với khả năng buông bỏ mỗi khi hành động của mình không có tác dụng hay đã bị đối thủ hóa giải.

Một đòn đánh ít khi có mục tiêu đánh lừa đối thủ, đôi khi các sư phụ Vĩnh Xuân dạy: “Hãy nhằm vào chỗ được thủ kín nhất mà đánh”. Không giống những môn võ khác cố tình tạo ra khe hở để bẫy địch thủ, bí quyết của người tập Vĩnh Xuân chính là ở chỗ anh ta không chống lại mà “theo đòn” của đối phương.

Trong thực tế, một người muốn thắng đối thủ phải tự đặt mình vào vị trí bị nguy hiểm nhất trước mặt và ngang bằng với anh ta chứ không phải là cao hơn hay thấp hơn. Vì cao hơn có nghĩa là đã để tính tự kiêu chiến thắng, sẽ tự nhủ mình là hơn người khác dù cho mình có thua. Thấp hơn tức là tự nhủ mình sẽ thua, sẽ không đỡ được đòn đánh của đối phương. Quan niệm đó lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người tập thua ngay từ trước khi khởi tay đấu luyện!

Với sự tôn trọng đối thủ và bản thân mình, người tập Vĩnh Xuân dẹp bỏ tự ái sang một bên, không để bản thân bị ngoại cảnh tác động và làm quen với việc bị đánh, bị trở thành lố bịch trước mắt người khác trong lúc tập để tìm hiểu phản ứng của bản tâm mình.

Dần dần với việc một kỹ năng tự vệ được hình thành, nhân cách của võ sinh sẽ được phát triển một cách lành mạnh. Người tập Vĩnh Xuân tự tin không phải vì sở hữu một khả năng đòn thế cao hơn người khác, mà vì hiểu rằng, bản thân tôn trọng người khác. Không phụ thuộc vào những hành vi đối xử với bản thân mình, anh không hề căm ghét hay sợ sệt một ai. Người không bị xúc phạm là người không thể bị đánh bại.

Vấn đề khi nào thì theo, khi nào thì chống của người tập Vĩnh Xuân đặt ra lúc đầu sẽ dần được giải quyết. Khi đã thủ đắc những kỹ thuật nhất định, anh ta không còn bận tâm tới việc đó nữa mà chỉ còn tập trung thả lỏng để hòa nhập cùng cử động của đối phương. Điều đó cũng có nghĩa là phát triển được khả năng “Tâm ứng thủ” – khi đầu óc nghĩ đến một đòn đánh là chân tay thực hiện thành công. Các võ sư Vĩnh Xuân rất chú trọng huấn luyện tâm thức của võ sinh. Được đúc kết từ thực tế, đòn thế của môn này tự đến khi người dùng nó bị đặt vào cuộc chiến.

Người ta thường gọi những võ sinh bằng từ “hành giả”, đó là người nhẫn nại bước đi trên con đường bất tận của sự học hỏi nhằm tới cái đích: thấu hiểu bản thân mình. 

P/S: Cuối cùng tôi cũng đã tìm được tác giả của bài viết này. Thật là may mắn, gần đây tác giả bài viết có tình cờ vào thăm trang web, nhờ đó tôi đã có dịp hân hạnh được trao đổi đôi lời với tác giả.  Được biết tác giả tên là Đỗ Xuân Tùng, tập của chi phái cụ Trần Văn Phùng. Xin cảm ơn tác giả một lần nữa vì bài viết đầy tính triết lý này.  Tôi xin được ghi tên tác giả phía bên dưới của bài viết và xin được giữ lại những dòng giới thiệu đầu tiên của bài viết, khi còn chưa biết tác giả là ai. Trân Trọng!


Tác giả: Đỗ Xuân Tùng

Nguồn: Vinhxuanvietnam.Wordpress.Com

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com