L.T.S: Võ sư lão thành 81 tuổi Vũ Bá Quý, người có công tạo lập ra phái võ Vũ gia thân pháp, mới đây, được một số tổ chức nghiên cứu về võ Phương Đông ở Châu Âu mời biểu diễn. Bài dưới đây của Rô-man Rốt đăng trên tạp chí Thể thao BUDO (Tiệp Khắc).
Bìa tạp chí thể thao nổi tiếng Budo số 22 th5/93 – nơi đăng bài viết về cố Võ sư Vũ Bá Quý nhân chuyến Ông cùng các học trò sang thăm, trình diễn Võ thuật tại Slô-va-ki-a.
Phải nói rằng trước khi được gặp võ sư VŨ BÁ QUÝ, tôi biết rất ít về “Kung Fu” Việt Nam. Tôi chỉ biết về võ Việt Nam qua vài cuộc biểu diễn, bởi vậy, tôi không bỏ lỡ dịp tìm hiểu về môn võ này.
Khi một cụ già bé nhỏ khoảng 80 tuổi bước vào phòng tập cùng hai người đàn ông trạc tuổi trung niên, mỗi người đều tự hỏi: Ở tuổi của cụ thì còn biểu diễn võ làm sao được? Cụ Vũ Bá Quý không nói nhiều mà đi ngay vào thực hành và chỉ trong phút chốc đã xua tan mọi ngờ vực. Những cú đấm và đỡ của cụ làm ta hình dung ra một cỗ máy đã được lập sẵn chương trình thực hiện nhiệm vụ với độ chính xác tuyệt vời. Những cử động của cụ Quý và học trò Hoàng Tam Diệu mang nhiều tính tiềm thức.
Tờ SASKIA của Tiệp Khắc (cũ) đăng bài và ảnh về Võ sư Vũ Bá Quý (bên trái) cùng với học trò Hoàng Tam Diệu
Càng chú ý lâu, tôi càng nghĩ rằng Vũ gia thân pháp là một môn võ Việt Nam độc đáo, có nhiều điểm giống với phái võ Vịnh Xuân và Triệt quyền đạo. Sau đó tôi đã xin cụ Quý cho phỏng vấn.
Báo Nhân dân chủ nhật số 30 (505) ra ngày 25 tháng 7 năm 1993 cũng đã đăng bài nói về: “Vũ gia thân pháp & nghệ thuật võ từ Việt Nam”
Lời tòa soạn viết như sau: Võ sư lão thành 81 tuổi Vũ Bá Quý, người có công tạo lập ra phái võ Vũ gia thân pháp, mới đây được một số tổ chức nghiên cứu về võ phương Đông ở châu Âu, mời sang biểu diễn.
Bài báo này do nhà báo Hà Dũng viết để giới thiệu lại với nhân dân cả nước toàn bộ nội dung mà báo thể thao Budo của Tiệp khắc đã đăng tại thủ đô Praha.
Hỏi: Cụ có thể cho biết những pha biểu diễn của cụ là xuất phát từ trường phái nào không ạ?
Trả lời: Cái tên
Vũ Gia Thân Pháp gồm hai phần. Phần thứ nhất thể hiện sự gắn bó của phái võ với gia đình họ Vũ, phần thứ hai có thể dịch ra là sự di chuyển thân mình trong chiến đấu. Có thể bản thân ông cũng thấy rằng nhiều bước đi, các cú đánh đỡ ở đây giống với Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long. Thậm chí trong việc thực hiện cũng không có gì khác biệt lớn. Trong việc tập võ của chúng tôi, không có nhiều múa may và biểu diễn, nhưng xuất phát từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói rằng võ tự vệ không có những động tác thừa.
Hỏi: Dường như Vũ Gia Thân Pháp đặc biệt công hiệu khi ta ở sát bên đối thủ?
Trả lời: Đúng như vậy, đây chính là bản chất của môn võ này. Quan trọng nhất là phải biết phản ứng kịp thời trước các cử động của đối thủ.
Hỏi: Cụ có thể cho biết đôi điều về bản thân?
Trả lời: Tôi sinh năm 1912 tại Mỹ Hào, tỉnh Hải Hưng và bắt đầu học võ từ năm 7 tuổi. Người thầy đầu tiên của tôi là một ông tướng dưới triều Nguyễn, quen cụ thân sinh tôi. Cụ là một trong những võ sư nổi tiếng thời bấy giờ. Sáu năm sau, tôi được hân hạnh theo học cụ Tế Công. Cụ Tế Công là bạn của
đại võ sư Yip Man (Diệp Vấn).
Hỏi: Ngày nay võ có ý nghĩa thế nào với cụ?
Trả lời: Tôi đã sống với võ sáu bảy mươi năm, cho nên có thể nói võ là tất cả. Tôi đã tìm thấy ở võ ý nghĩa cuộc sống. Ngày nay tôi không còn trẻ nữa, tôi không tập nặng mà tập nội công và tập mang tính dưỡng sinh.
Hỏi: Gần đây ở Xlô-va-ki-a có tranh luận sôi nổi xung quanh việc luyện nội công. Một số người coi đó là chuyện bịp, những người khác coi đó là đỉnh cao của võ.
Trả lời: Tôi cũng không biết phải trả lời ông thế nào. Tốt nhất là để ông thử xem?
Võ sư Quý tập trung tinh thần trong mấy giây và bảo tôi: “ông đấm tôi đi”. Tôi hơi ngần ngại nên chỉ đấm khẽ. Cụ già lắc đầu và ánh mắt như muốn nói: “Như thế mà là cú đánh đấy à?”. Lần thứ hai tôi đấm thật mạnh. Lúc đó tôi có cảm giác như tay mình vừa va phải vách thép.
– Tôi nghĩ rằng đây là câu trả lời tốt nhất.
Nội công không phải là chuyện bịp, ông có thể tin tôi.
Học trò cố Võ sư Vũ Bá Quý trình diễn Nội công đặc sắc của bản môn
Hỏi: Tôi để ý thấy trong các pha biểu diễn không có các cú đá?
Trả lời: Không có cả biểu diễn vũ khí nữa. Nhưng thực sự Vũ Gia Thân Pháp bao gồm tất cả: kiếm, côn, đao, giáo, … tất cả có mười tám ban. Tất nhiên là môn này bao gồm cả đá, nhưng ít hơn. Các cú đánh tay được dùng nhiều hơn.
Hỏi: Cụ nghĩ thế nào về võ và bản chất của võ?
Trả lời: Ở Việt Nam, đây là vấn đề truyền thống. Tôi đã dạy võ nhiều năm, đào tạo cả bộ đội đặc công, cảnh sát đặc nhiệm. Tôi tin chắc rằng mỗi lần lạm dụng nghệ thuật học được đều là một tội ác không thể tha thứ. Bản chất của võ trước hết là tự hoàn thiện mình.
Hỏi: Những năm gần đây, võ ngày càng xuất hiện nhiều trên phim ảnh. Cụ có nghĩ rằng quảng cáo kiểu đó hại cho võ nhiều hơn là lợi không?
Trả lời: Tất cả là ở chỗ quan niệm thế nào. Chính vấn đề này cũng xuất hiện giữa võ và các môn thể thao xuất phát từ võ. Có những võ sư chỉ thừa nhận truyền thống và phủ nhận mọi quan niệm hiện đại. Tôi thì nghĩ rằng mỗi người có quyền lựa chọn. Mặt khác, tôi không thể không nói giữa võ thật với võ trên phim ảnh có sự khác biệt rất lớn.
Võ sư Vũ Bá Quý và học trò Vũ (râu) trên đường lên tháp truyền hình tại thủ đô Praha – Tiệp khắc
Hỏi: Cụ có khuyên gì những người tập võ ở Xlô-va-ki-a không?
Trả lời: Người nào chọn cái gì, điều đó không quan trọng. Quan trọng là có thái độ hiểu biết đối với võ. Nếu như người nào không tìm thấy ở võ những giá trị nhất định và sự tự khẳng định mình thì nên đi tìm cái khác. Bản thân tôi tin rằng không thể ngày một ngày hai mà đạt được đỉnh cao về bất kỳ cái gì. Điều đó đơn giản là phải kiên trì, tập dần dần?
ROMAN ROTH
Võ sư huyền đai Karate_Tác giả bài báo đăng trên tạp chí Thể thao BUDO nổi tiếng Tiệp Khắc
Nguồn: Vugiathanphap.Com