» Ngũ Luân Thư (Gorin No Sho)

Ngũ Luân Thư (Gorin No Sho)

Kiếm Nhật Tháng năm 23, 2021

Miyamoto Musashi (1584 – 1645) được xưng tụng là Thánh Kiếm của Nhật Bản thời tiền Mạc Phủ Tokugawa, sáng lập ra môn phái Niten Ichi Ryu (Nhị thiên Nhất lưu). Sau khi sống sót qua trận tử địa Sekigahara giữa Đông Quân và Tây Quân, Miyamoto Musashi đã lang bạt khắp nơi, tự rèn luyện mình để trở thành một kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất Nhật Bản với chiến tích chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào. Trong những năm tháng cuối đời, Musashi đã viết binh pháp thư Ngũ Luân Thư, nhằm đúc kết những quan sát, kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu của mình và bàn luận về cái Đạo của người kiếm sĩ.

Ngũ Luân Thư bao gồm “Địa quyển”,” Hỏa quyển”, “Thủy Quyển”, “Phong quyển” và “Không quyển”, chủ yếu bàn về võ nghệ, kiếm pháp, cái Đạo của người học kiếm và là cẩm nang dành cho người muốn học binh pháp … nhưng ngày nay nó lại được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia. Thời đại ngày nay, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của Ngũ Luân Thư khi nó là kim chỉ nam cho người đọc, giúp họ chiến thắng mục tiêu và đạt được thành công trong sự nghiệp nói chung, và là lời đáp trả của người Nhật cho MBA của Harvard nói riêng. Tạp chí Time đã ca ngợi quyển sách này rất ngắn gọn: “Ở Phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả phải lắng nghe”.

 

Tóm lại, Ngũ Luân Thư có thể là cẩm nang binh pháp dành cho mọi người, mỗi lần đọc là lại nghiền ngẫm ra những điều mới mẻ và tìm ra chân Đạo trên con đường của mình, như Miyamoto Musashi đã viết “ Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”.

Những điểm tinh yếu được liệt kê theo sau:

1. Tâm thân hợp nhất

Trong chiến đấu, tâm thân phải hợp lại thành một khối duy nhất, không do dự, sợ hãi. Khi tấn công, phải dứt khoát với một quan niệm duy nhất – hạ gục đối thủ. Một người nhỏ con có thể đánh bại một kẻ bự con hơn hay hạ nhiều người cùng một lúc, nếu như người đó hiểu rõ thực lực giữa ta và địch. Không nên khinh thường đối thủ, cũng như không nên khiếp sợ địch thủ. Lúc chiến đấu, thần khí phải vững vàng, chiến đấu hết lòng, tận sức. Đòn thế khi được tung ra phải hợp nhất với tâm ý, phải nhanh và thẳng, không do dự, suy tư, nếu không đòn phát ra sẽ không hữu hiệu và kẻ bại lại chính là ta. Phải khổ luyện kỹ thuật, đòn thế, phải tập thiền định cho được nhất tâm, tập tới mức ta và địch là một. Có được như thế, thì địch muốn ra chiêu gì thì ta cũng biết cách để hóa giải và phản công.

2. Thân pháp bộ pháp

Thân pháp phải thư giãn, trầm tĩunh. Tập trung vào mục đích đánh trúng địch thủ. Mắt phải tinh, thần phải ổn, thả lỏng vai lưng, chân tấn vững vàng, tiến lui linh hoạt, đòn phát ra phải nhanh, mạnh và trúng đích. Bàn chân chuyên chở sức nặng của cơ thể và sức nặng của cơ thể dồn trên đôi bàn chân. Phải giữ cân bằng, đi ra đi, chạy ra chạy, nhảy ra nhảy, không thừa không thiếu. Phải tập tiến lùi, tránh né thật thuần thục, chỉ cần sai một bước chân là mất trọng tâm và sẽ lãnh đòn. Cần tập luyện sử dụng được cả hai bên phải và trái, tấn công cũng như phòng thủ, không nên chỉ tập chết một bên trái hoặc phải.

3. Năm phương vị để tấn công

Chỉ có năm phương vị duy nhất để tấn công. Đó là trên, dưới, giữa, trái và phải. Bất kể địch thủ đứng đối diện hay xoay lưng, hoặc đứng một bên cũng vậy. Các đòn tấn công hữu hiệu nhất là các đòn đi theo đường thẳng, nhưng cũng không nên bỏ qua các đòn tấn công theo hình vòng cung. Nên nhớ, khi địch thủ tấn công trực diện thì ta tránh sang bên, khi địch thủ tấn công bằng đòn cong thì ta nhập nội theo đường thẳng.

4. Nhìn thẳng địch thủ

Phải nhìn như thấu suốt tâm can của địch thủ, nhìn vào mắt, vai của địch thủ để phán đoán đòn thế của đối phương. Thần của ta phát ra từ hai con mắt. Thần mạnh có thể làm cho địch thủ phải khiếp sợ, khủng bố, làm địch thủ phải nao núng bằng tiếng hét và ánh mắt. Mắt nhìn bao quát tất cả sáu phương: trên, dưới, xa, gần, trái, phải, không bỏ qua một chi tiết, một cử động nhỏ. Địch thủ chỉ cần nhích động một tí là ta biết ngay và phản ứng kịp thời.

5. Không nghĩ không tưởng

Không phải chờ địch thủ mở màn trận đấu. Địch thủ muốn xuất chiêu, ta liền ra chiêu trước. Phải nhanh hơn, chuẩn xác hơn và hiệu quả hơn. Giữ tâm cho thanh thản, tay chân linh hoạt, tự động phát đòn. Cắt bỏ các ý nghĩ mình sẽ thua, sợ đau, địch mạnh, ta yếu, hay phải ra chiêu này, phải đánh thế kia. Tự tâm lưu xuất, vô chiêu thắng hữu chiêu, chỉ quan tâm một điều duy nhất – chiến thắng địch thủ. Không tấn công nữa vời, đòn này nối tiếp đòn kia, bám dính địch thủ như keo với sơn, chỉ dừng lại khi thực hiện được mục đích – địch thủ đã bị đánh gục.

TƯ THẾ TRONG BINH PHÁP

Hãy vào tư thế thủ với đầu thẳng đứng, không cúi xuống cũng không nhìn lên hay quay sang trái, phải. Trán và ấn đường không nhíu lại. Mắt ngươi không được nhìn láo liên hay chớp mà phải khép hờ lại. Với vẻ mặt điềm tĩnh, ngươi phải giữ đường sống mũi ngay thẳng với cảm giác hơi phồng cánh mũi lên. Giữ đường gáy cho thẳng, dồn lực vào đường chân tóc cũng như từ vai xuống khắp châu thân. Hai vai hạ thấp, hai mông rút vào, ngươi hãy dồn lực vào hai chân, từ đầu gối đến đầu ngón chân. Dồn lực vào bụng dưới để hai eo không bị uốn cong. Nhét đoản kiếm vào đai sát bụng dưới, nhờ đó đai của ngươi không lỏng. Điều này được gọi là “niêm kiếm”. Trong mọi hình thức binh pháp, điều cần thiết là phải duy trì tư thế chiến đấu trong cuộc sống hằng ngày và biến tư thế thường nhật của ngươi thành một tư thế chiến đấu. Phải nghiên cứu điều này một cách cặn kẽ.

NĂM CÁCH TIẾP CẬN

1. Cách tiếp cận thứ nhất là ở tư thế trung đẳng. Hãy đối diện kẻ địch với mũi kiếm hướng vào mặt y. Khi đối thủ tấn công, hãy đẩy kiếm y về phía phải và “cỡi” lên nó. Hoặc là khi y tấn công, ngươi đẩy mũi kiếm của y bằng cách chém xuống, giữ kiếm ngươi ngay với điểm đó và đúng lúc đối thủ tấn công lại, ngươi hãy chém hai cánh tay của y từ phía dưới. Đây là phương thuật thứ nhất. Năm phép tiếp cận đại loại là như vậy. Ngươi phải luyện tập liên tục với trường kiếm để học thuộc chúng, khi đã nắm vững được cái đạo của trường kiếm, ngươi sẽ có thể chế ngự mọi cuộc tấn công của địch. Ta đoán chắc là không có tư thế nào ngoài năm tư thế của trường kiếm thuộc môn phái Nhị Đao.
2. Trong phép tiếp cận thứ hai với trường kiếm, ngươi chém kẻ địch từ tư thế thượng đẳng ngay lúc y tấn công. Nếu y thoát được nhát chém, ngươi hãy giữ kiếm ngay đúng phương vị đó và vớt từ dưới lên, ngươi hãy chém y khi y lại tấn công. Người ta có thể chém lại từ dưới lên như vậy. Trong phương thuật này có nhiều cách biến hóa trong thời điểm và tinh thần. Ngươi phải có khả năng hiểu được điều này qua sự luyện tập trong môn phái Nhất Lưu. Ngươi sẽ luôn luôn chiến thắng với năm phương thuật của trường kiếm đó. Ngươi phải miệt mài luyện tập.
3. Trong phương thuật tiếp cận kiếm thứ ba, ngươi ở thế hạ đẳng với sự tiên liệu là sẽ vớt được kiếm lên. Khi kẻ địch tấn công hãy nhằm vào tay của y từ bên dưới. Khi ngươi làm như vậy, y có thể tìm cách chém bạt kiếm ngươi. Trong trường hợp đó, ngươi hãy chém ngang vào hai tay trên của y với một cảm giác “đi chéo”. Điều này có nghĩa là từ tư thế hạ đẳng ngươi chém vào đối thủ ngay lúc y tấn công. Ngươi sẽ gặp phương thuật này nhiều lần, cả lúc mới bắt đầu học nghệ và trong binh pháp sau này. Ngươi phải luyện cho được phép cầm trường kiếm.
4. Trong phép tiếp cận thứ tư, ngươi đứng ở tư thế thủ bên trái. Khi đối phương tấn công, ngươi đâm vào tay y từ bên dưới. Nếu lúc đó y tìm cách đánh bạt kiếm ngươi xuống, ngươi đỡ đường kiếm của y với cảm giác như chém vào tay của đối thủ và ngươi vung kiếm bạt chéo từ trên vai của ngươi. Đây là cái đạo của trường kiếm, nhờ phương thuật này, ngươi chiến thắng bằng cách đỡ đường tấn công của đối phương. Ngươi phải nghiên cứu điểm này.
5. Trong phép tiếp cận thứ năm, kiếm ngươi ở tư thế thủ bên phải. Đồng thời với đòn tấn công của đối phương, ngươi hãy đánh chéo lên từ dưới để vào tư thế thượng đẳng rồi chém thẳng từ trên xuống dưới. Phương thuật này là thiết yếu để biết rõ được cái Đạo của trường kiếm. Nếu ngươi sử dụng được phương pháp này, ngươi có thể múa trường kiếm được một cách thành thạo. Ta không thể mô tả chi tiết sự ứng dụng của năm phép tiếp cận đó. Ngươi phải trở nên thành thạo với cái Đạo hòa hợp với trường kiếm. Học ước tính thời gian trên qui mô lớn, hiểu được phép trường kiếm của đối thủ và thành thạo với năm phép tiếp cận ngay từ đầu. Ngươi sẽ luôn luôn chiến thắng nếu dùng năm phép tiếp cận đó với cách ước lượng thời gian trong việc nhận định được tình ý của đối thủ. Ngươi phải nghiền ngẫm những điều này một cách cẩn thận.

Phê phán các môn phái khác trong Phong thư:

+ Phê phán các môn phái ưa dùng trường kiếm vì không thích hợp khi cận chiến và trở thành bất lợi khi chiến đấu ở nơi chật hẹp. Kiếm sĩ phải từ bỏ tâm lý dựa dẫm vào vũ khí dài.
+ Phê phán các môn phái ưa dùng đoản kiếm, vì đoản kiếm chỉ thích hợp với “hậu thủ” chứ không thể chiếm được “tiên thủ” và đoản kiếm cũng bất lợi khi phải chọi với số đông.
+ Phê phán các môn phái ưa vung kiếm thật mạnh, vì khi ra đòn mạnh thì ta cũng sẽ mất thăng bằng và tăng nguy cơ làm gãy kiếm.
+ Phê phán các môn phái có bộ pháp kỳ lạ, vì nhiều chuyển động quái dị khiến chậm mất nhịp, bị địch chiếm mất tiên thủ và cũng bị giới hạn ở nhiều địa hình khác nhau.
+ Phê phán các môn phái chấp trước vào thế thủ. Thế thủ là yếu tố căn bản nhưng mang tính phòng vệ, là hậu thủ. Trong thực chiến, để làm địch hỗn loạn, phân tâm thì thế thủ phải mềm dẻo linh hoạt.
+ Phê phán các môn phái sở hữu tuyệt kỹ bí truyền, vì khi chém nhau trong thực chiến thì không phân biệt tuyệt kỹ hay kỹ thuật sơ bộ, phàm đòn nào đả thương đối thủ đều có giá trị như nhau cả. Khi đào tạo thì cần dựa vào năng lực thực tế của từng cá nhân mà chỉ đạo.
Sách Ngũ Luân Thư
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com