“Không trải qua rèn luyện trong khổ nạn, trong các môi trường khác nhau, sao có thể duy trì được tốc độ trong các điều kiện khắc nghiệt khác nhau được? Thiên lý mã là như thế, con người lẽ nào lại không như vậy?”
Phi nước đại giữa sa mạc nắng gắt
Ả Rập có một danh sư huấn luyện ngựa, ngựa do ông huấn luyện thậm chí còn được gọi là ngựa Thần. Thế là mọi người tôn kính gọi vị đại sư huấn luyện ngựa này là “Thần ngựa”.
Hàng ngày vào buổi sáng, ông chỉ huy bầy ngựa chạy quanh chuồng, trong bầy ngựa có những con ngựa cao to tráng kiện, cũng có những con ngựa non.
Các trợ thủ của ông đứng một bên hò hét lũ ngựa, vừa nắm lấy yên ngựa nhảy nhót sang hai bên, trông rất giống như diễn viên xiếc đang biểu diễn.
Đến trưa, mặt trời trên sa mạc gay gắt nhất, vị huấn luyện ngựa và các trợ thủ cưỡi ngựa phi thẳng vào sa mạc mênh mông. Đến chiều, khi họ quay trở lại, mọi người phát hiện trên tay mỗi người đang cầm một con dao cong, giống như là vừa chinh chiến trở về.
“Tại sao ngài cho nhiều ngựa chạy quanh chuồng như vậy?” – Có người hỏi vị huấn luyện ngựa.
Ông nói: “Vì tôi dạy những con ngựa con này, phải theo sau ngựa lớn, học tập nghe khẩu lệnh và thuần phục. Không có ngựa lớn dẫn dắt, ngựa con rất khó dạy. Nếu tôi là thầy giáo, thì ngựa lớn là phụ huynh, tôi dạy ngựa con ở trường, phụ huynh ở nhà hướng dẫn, không được thiếu bất cứ phương diện nào”.
“Vậy các trợ thủ của ngài tại sao phải nắm lấy yên ngựa nhảy nhót sang 2 bên thế?” – Người ta lại tò mò hỏi tiếp.
“Đó là dạy ngựa biết thăng bằng, duy trì ổn định” – ông trả lời.
“Còn lúc trưa cưỡi ngựa đi…” – ông nói tiếp – “Là vì ban trưa thời tiết nóng nực nhất, để ngựa chạy trong sa mạc nóng như lửa đốt, mênh mông nhìn vô biên vô tế. Đây là một loại rèn luyện trong khổ nạn, để ngựa biết nếu không chạy, thì vĩnh viễn sẽ không ra khỏi sa mạc này. Chỉ có vượt qua khổ nạn như thế này mới thành thiên lý mã được. Còn dao cong, là chúng tôi cố ý múa để ngựa trông thấy, dùng ánh dao sáng loang loáng để kích thích con mắt ngựa, phát ra tiếng kêu mãnh liệt. Nếu trải qua được quang cảnh này, thì ngựa mới có thể biểu hiện trầm tĩnh ung dung, mới có thể trở thành con chiến mã tốt nhất”.
Bỏ lại khói bụi mịt mù phía sau
Với hầu hết loài ngựa, ban ngày gặm cỏ trên đồng cỏ xanh, đêm ở trong chuồng, còn được người cung cấp thức ăn, cỏ khô, sống rất dễ chịu thoải mái, nên vĩnh viễn là những con ngựa, nhìn bề ngoài béo tốt, khỏe mạnh, nhưng thực chất lại yếu đuối, tầm thường.
Phần lớn con người đều thích cuộc sống an nhàn, sung sướng, luôn tìm cách để sống theo ý mình, tránh khó nạn, hiểm nguy… Chính vì thế họ hầu như chẳng có thành tựu gì, chỉ là con người tầm thường, yếu đuối, cái gì cũng sợ, sợ làm ăn thua lỗ, sợ người ta mưu hại, sợ mất phần lợi nhuận, sợ người thân phản bội, sợ thất nghiệp, sợ con cái không ngoan… cho đến sợ tương lai mờ mịt, không nắm bắt được.
Do đó, chúng ta muốn đạt được thành công, muốn tạo nên kỳ tích, muốn gánh vác trọng trách, muốn vẻ vang cho dòng họ, cho dân tộc, cho quốc gia, thì trước tiên chúng ta cần rèn luyện trong khó khăn gian khổ, trong các kiếp nạn trùng trùng, mới có thể trở thành thiên lý mã vượt qua sa mạc mênh mông được.
Khi nói về các bậc Thánh vương, các hiền tài, anh hùng, danh tướng xưa, Mạnh Tử từng nói: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí họ, để rèn luyện tính kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng mà họ còn thiếu”.
Nếu người có chút khả năng, tài năng nhỏ bé, chưa được rèn luyện, thì khi mang trọng trách, lại chính là cái họa. Trọng trách càng lớn, khó nạn cũng càng lớn hơn, nếu không đủ năng lực và tinh thần vững chãi, nhất tâm bất động, thì sẽ bị các khó nạn quật ngã bất cứ lúc nào.
Con người phải trải qua rèn luyện mới có Thành tựu
Ngựa thiên lý mã được huấn luyện từ nhỏ, trải qua vô số khổ nạn mà thành. Người có tài năng lớn cũng vậy, phải được học hành rèn luyện từ nhỏ mà nên. Sách “Tam tự kinh” đã nói rõ:
“Ngọc bất trác bất thành khí, Nhân bất học bất tri lý”.
Nghĩa là:
“Ngọc thô không mài giũa thì không thành món đồ quý, Người không học thì không hiểu đạo lý làm người”.
Và:
“Ấu bất học lão hà vi”
Nghĩa là:
“Còn nhỏ mà không học, thì đến già cũng không có được thành tựu gì”.
Nam Phương dịch – theo Tạp chí Hoa Kỳ