» 100 bước đi giật lùi tương đương với 1000 bước tiến về phía trước

100 bước đi giật lùi tương đương với 1000 bước tiến về phía trước

Bài Sưu tầm Tháng năm 27, 2021
Cùng khám phá những tác dụng cực kỳ bất ngờ của việc “ĐI BỘ NGƯỢC”.
Đi giật lùi cải thiện sức khỏe

Đi bộ thì rất nhiều người đã biết thế nhưng đi bộ ngược thì lại khá mới mẻ. Bạn có biết rằng, đi bộ ngược là phương pháp thể dục thể thao đơn giản mà lại có hiệu quả rất cao, thậm chí có hiệu quả gấp 6 lần đi bộ nhanh ??

Hãy cùng khám phá những tác dụng cực kỳ bất ngờ của việc đi bộ ngược hay đi bộ giật lùi sau đây nhé!
Có rất nhiều kiểu đi bộ khác nhau như:
  • Đi bộ nhanh: khoảng 100 bước/phút
  • Đi bộ thong thả: khoảng 70 bước/phút
  • Đi bộ tự do: kết hợp giữa đi bộ nhanh – đi bộ thong thả – vừa đi vừa nghỉ
  • Đi bộ ngược hay còn gọi là đi giật lùi

Vì sao chạy lùi giảm cân hiệu quả gấp 6 lần đi bộ nhanh?

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Oregon, lượng calo cơ thể đốt cháy hết khi đi giật lùi nhiều hơn đi tiến là 25% vì khi đi giật lùi bước đi ngắn hơn nên trên cùng một đoạn đường, chúng ta phải đi nhiều bước hơn do đó cơ thể phải vận động nhiều và đốt cháy nhiều calo hơn.

Ngoài ra, khi đi lùi nhịp tim tăng gấp đôi, kích thích tuần hoàn máu, vì vậy lượng ôxy tiêu thụ tăng 78% so với đi tiến và lượng calo bị tiêu hao cũng nhiều hơn. Đi bộ giật lùi là phương pháp tập luyện vùng eo hiệu quả nhất và làm giảm bệnh đau thắt lưng.

Một câu chuyện khác của nhà nghiên cứu sức khỏe người Nhật Bản là Junji Takano.
Từ khi còn bé, ông Takano để ý ông bà của mình có một bí quyết dưỡng sinh rất kỳ lạ. Cứ mỗi lần trồng xong một cây rau, hai người lại làm một động tác ưỡn mình về phía trước. “Nếu muốn sống thọ hơn, với sức khỏe và tinh thần tốt hơn, hãy thực hiện bài tập ưỡn người này”, Takano nhớ lại những lời mà ông bà ông đã nói. Trên thực tế, họ đã sống tới 98 tuổi mà vẫn khỏe mạnh.

Động tác dưỡng sinh này gợi ý cho Takano nhớ tới một phương pháp tập luyện tương tự rất phổ biến ở Nhật Bản trước đây: đi bộ giật lùi. Về mặt động tác, nó có thể chia sẻ những bí quyết chung với cách ưỡn người của ông bà Takano.

Đi bộ hoặc chạy giật lùi có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cả đi bộ thông thường. Bởi vậy, khi bạn thấy một ai đó đang đi hoặc chạy giật lùi trong công viên, đừng nghĩ họ lập dị mà hãy học tập họ.

“Trong một thời gian dài trước đây, đi bộ giật lùi đã trở thành một bài tập thể dục đặc biệt dành cho những người cao tuổi, giúp họ có tinh thần vả thể chất tốt hơn. Đây là một loại hình tập thể dục rất cổ điển”, Takano cho biết.
Đi giật lùi cải thiện sức khỏe
Những tác dụng của việc đi bộ giật lùi:
– Đi bộ giật lùi rất tốt cho hông, chân và cả thân mình. Khi bạn đi bộ ngược lại, dạ dày của bạn sẽ làm việc trong một tư thế khác, nó tạo ra một phản ứng tích cực cho vùng bụng. Đi bộ ngược lại cũng tốt cho tim, phổi, cơ bắp và các khớp xương.
– Đi bộ hoặc chạy bộ giật lùi giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn là tiến về phía trước.

Theo một nghiên cứu năm 2011, khi chạy sải bước về phía trước, chúng ta thường tiếp đất ở nửa sau bàn chân. Tiếp đó, mũi bàn chân mới chịu lực, nén các cơ bắp và dây chằng để tích lũy một năng lượng dồn nén. Ở động tác cuối cùng đẩy bạn về phía trước, năng lượng nén này mới được giải phóng giúp bạn đạt được tốc độ tốt hơn.

Trong khi đó, phân tích động tác chạy hoặc đi bộ giật lùi, các nhà nghiên cứu không quan sát thấy cơ chế dồn nén thế năng tương tự. Khác với cách tích lũy lực nén, để hoàn thành được mỗi sải chân giật lùi người chạy phải sử dụng nhiều cơ bắp hơn. Bởi vậy, mỗi động tác có thể đốt cháy thêm 30% năng lượng so với chạy về phía trước ở cùng vận tốc.

– Cải thiện thể chất tốt hơn vì chạy giật lùi là khó khăn hơn và tương đối khó nhọc, nó là một bài tập thể dục hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2014 xác nhận rằng một người đi bộ giật lùi cũng cải thiện hoạt động thể chất tốt hơn đi bộ về phía trước.
Trong một nghiên cứu khác năm 2016, một số vận động viên điền kinh đã thử thay thế chương trình đào tạo bình thường của họ trong 5 tuần bằng các bài chạy giật lùi. Kết quả, phương pháp luyện tập mới đã cho phép họ cải thiện được thêm 2,5% hiệu suất khi trở lại thi đấu bình thường. Các nhà nghiên cứu nói, họ có thể chạy nhanh hơn mà không cần nhiều oxy hơn.
– Giảm áp lực cho đầu gối
Một điểm khác biệt nữa của chạy giật lùi, đó là động tác của nó không tác dụng nhiều lực lên đầu gối. “Đối với đi bộ giật lùi, một điểm quan trọng là bạn không phải gập đầu gối. Các động tác khuyến khích bạn giữ đôi chân ở tư thế thẳng hoặc ở vị trí kéo dài”, Takano cho biết.
Vì vậy, đôi khi chạy lùi được sử dụng như một bài tập dành cho các vận động viên gặp phải chấn thương khớp.
– Phát triển tầm nhìn và khả năng giữ thăng bằng: Chạy lùi vừa giúp tăng cường tầm nhìn của mắt, cũng như gia tăng khả năng giữ thăng bằng vì bạn hoàn toàn không thể tập trung nhìn thấy những gì ở trước. Đặc biệt, cách tập này còn giúp phát triển các giác quan khác, tốt nhất là thính giác.

– Tốt cho não bộ: Thay đổi việc tập luyện mỗi ngày và tác động các nhóm cơ theo hương ngược với thường ngày sẽ giúp não bộ phải ‘vận động’ nhiều hơn và phản ứng khác đi.

Tuy nhiên, chạy giật lùi có một nhược điểm dễ thấy. Mọi người thường hay vấp ngã hoặc đâm vào chướng ngại vật khi đang chạy. Takano cho biết: “Hạn chế tất nhiên của việc chạy và đi bộ ngược lại, là sự mất tầm nhìn”. Mặc dù vậy, ông cho biết nó có thể cải thiện được các giác quan khác như thính lực hoặc cảm giác khi bạn “không có mắt ở đằng sau”.

Bây giờ, khi cân nhắc các lợi ích và rủi ro Takano cho biết mọi người đều nên thử bài tập đi bộ lùi. “100 bước đi bộ giật lùi tương đương với 1.000 bước tiến về phía trước”, ông cho biết.

Nhiều người nói mình không có thời gian và không gian để tập luyện. 1.000 bước chân đôi khi sẽ tiêu tốn của họ cả giờ đồng hồ. Nhưng với mục tiêu được giảm đi chỉ còn một phần mười, và bạn có thể đi bộ giật lùi ở bất cứ đâu, sân sau hoặc trong văn phòng: Không có lý do gì bạn không giành một chút thời gian cho động tác đơn giản này.

Hãy đi bộ giật lùi để có được một thể chất và tinh thần khỏe mạnh. “Tôi vẫn luôn giới thiệu bài tập thể dục này với bạn bè mình trong suốt 40 năm qua”, Takano cho biết.

Nguồn: Tâm Bình “Vạn điều hay”
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Copyright 2023 – All rights reserved by Vugiathanphap.Com